Trong Chỉ thị 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật.
Dư luận đặt câu hỏi, với những hành vi bịa đặt, tung tin đồn thất thiệt về tình trạng dịch bệnh COVID-19 gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174, có thể xem xét thêm về trách nhiệm hình sự không?
Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi Tòa án các cấp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn xét xử các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
|
Tài khoản Facebook "Đ.N.Q" đã tán phát hàng trăm thông tin thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
|
Trong đó, nêu rõ, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288.
Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155.
Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự, Cty Luật TAT Law firm cho biết, những hành vi bị đặt, tung tin đồng thất thiệt trên mạng xã hội về tình trạng dịch bệnh COVID-19 gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch thì tùy mức độ sẽ có thể bị xem xét xử phat vi phạm hành chính, nếu hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 288 Bộ luật hìn sự hiện hành.
Cụ thể, theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 của Văn bản số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288”.
Nói về biện pháp xử lý triệt để, răn đe có hiệu quả những trường hợp vi phạm nêu trên trong thời điểm hiện nay, Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết, hiện cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của Việt Nam chúng ta đang diễn ra cam go nhất.
Chính phủ đã xác định đây là khoảng thời gian “vàng” để quyết định sự thành bại của “cuộc chiến”. Cuộc chiến này để có thể thành công thì ngoài sự nỗ lực của các y bác sĩ, các cơ quan có thẩm quyền thì đối với mỗi người dân cần đồng lòng thực hiện các khuyến cáo của chính phủ, Bộ y tế với các giải pháp để phòng chống dịch.
|
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự, Cty Luật TAT Law firm. |
Bình tĩnh ứng phó là một trong những yếu tố tiên quyết giúp chúng ta hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Để có được yếu tố tiên quyết này thì điều cần thiết từ phía mỗi người dân là cần nêu cao ý thức không loan truyền những thông tin trên mạng xã hội mạng viễn thông không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận.
Để có thể tránh những thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch bệnh, luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, chính quyền, các cơ quan truyền thông cần ra sức tuyên truyền, phổ biết cho người dân biết về mức độ nguy hại của những tin đồn sai sự thật trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết về quy định của pháp luật, hậu quả pháp lý của những hành vi tung tin đồn, loan truyền những thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận.
Yêu cầu mỗi người dân phải nêu cao ý thức vì cộng đồng, chung tay cùng đẩy lùi dịch bệnh bằng việc không đưa những thông tin sai sự thật, chưa có sự kiểm chứng. Phát giác và tố cáo những hành vi cố tình tung những thông tin sai sự thật tới cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý
Khi đã phát hiện những người có hành vi cố tình vi phạm thì cần nhanh xử lý, xử lý một cách triệt để, nghiêm khắc nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Sẽ xử lý nghiêm những trường hợp khai báo gian dối về y tế và gây nhiễu loạn thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19:
Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) sáng 30/3, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định, những hành vi, việc làm như khai báo y tế gian dối, trốn khỏi nơi cách ly tập trung, đưa ra những thông tin chưa chính xác và không được kiểm chứng của một số bệnh nhân và các đối tượng hiện đang cách ly tập trung, đang chữa bệnh khi căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có thể xử lý từng trường hợp cụ thể.
Thứ trưởng Sơn cũng đề nghị, Bộ Y tế cũng cần trao đổi những thông tin cần thiết về những đối tượng gây khó khăn, cản trở và gian dối trong khai bảo y tế và có thể gây nguy hiểm cho xã hội, để lực lượng Công an điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Hà Nội bắt đầu xét nghiệm nhanh COVID-19
Tâm Đức