Hàng vạn người chen chúc đến chùa Tam Chúc ngày 14/3 khiến nhiều người quan ngại về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi nhiều biện pháp phòng, chống dịch không được thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc.
|
Cảnh đoàn người chen lấn xô đẩy khi lên thuyền ở chùa Tam Chúc ngày 14/3. |
Để vạn người chen chúc, địa phương vô trách nhiệm
PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng, việc 5 vạn người dân đến chùa Tam Chúc ngày 14/3 trong tình cảnh phải chen chúc hoàn toàn không ổn trong bối cảnh Việt Nam vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
“Rõ ràng, số lượng 5 vạn người chen nhau khiến một số ý kiến gọi là chùa “chen chúc”. Nhìn cảnh đám đông vai sát vai, xô đẩy, nhiều người không đeo khẩu trang, không đảm bảo việc thực hiện nghiêm yêu cầu 5K cho thấy, nếu xảy ra một trường hợp liên quan đến dịch COVID-19 sẽ bị “vỡ trận” ngay lập tức. Bao nhiêu công sức chúng ta đã làm trong thời gian qua sẽ “đổ sông, đổ biển” - PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.
Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng, vì sự phát triển chung của cộng đồng quốc gia, dân tộc đòi hỏi phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bênh, không trừ một địa phương nào hết, không một tổ nhóm nào hết, không một tổ chức tôn giáo nào hết mà phải gắn liền với yêu cầu của pháp luật.
|
PGS.TS. Lâm Bá Nam. |
“Khi xem những hình ảnh dòng người đông nghịt tại chùa Tam Chúc ngày 14/3, tôi thấy công tác quản lý rất yếu kém. Nói rộng ra nữa, đó là sự vô trách nhiệm trong bối cảnh tình hình hiện nay khi chúng ta đang vui mừng trước những thắng lợi trong phòng, chống dịch” – ông Nam nói.
PGS.TS. Lâm Bá Nam nói rằng, dù thông cảm với nhu cầu tín ngưỡng của người dân nhưng vẫn phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật.
“Không phải nhu cầu mà bất chấp tất cả. Trong trường hợp này, tôi cảm giác như họ bất chấp. Thậm chí không có vai trò của địa phương cũng như của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nếu còn tiếp diễn như thế, khi chúng ta bắt đầu nới rộng giãn cách xã hội, tháng này vẫn là tháng của lễ hội, của các chuyến hành hương và du lịch tâm linh trên phạm vi cả nước. Nếu không thắt chặt lại, không có biện pháp quản lý chặt chẽ về mặt hành chính, tình hình sẽ không lường được” – ông Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
Theo PGS.TS. Lâm Bá Nam, nhu cầu về mặt tâm linh, tín ngưỡng được phục hồi trong thời hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam có những chuyển hướng.
“Phục hồi ở đây là phục hồi về mặt văn hóa, có ý nghĩa về mặt tích cực nhưng phục hồi quá đáng về mặt tâm linh cần phải xem xét. Nhu cầu chính đáng của người dân thì chúng ta tôn trọng nhưng rõ ràng đây là sự phục hồi một cách quá đáng. Việc để tư nhân xây dựng những công trình tâm linh mà không phải trên vùng đất tâm linh gắn liền với văn hóa dân gian vẫn là một trong những bất cập trong bối cảnh hiện nay” – ông Lâm Bá Nam cho hay.
Chính phủ cần xem xét, chấn chỉnh
PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là sơ suất đáng trách.
“Khi dịch bệnh COVID-19 chưa hết, Chính phủ đang chỉ đạo và lúc nào cũng phải cảnh giác. Hậu quả của dịch bệnh đợt vừa rồi, ngay tại Hải Dương đã làm nhiều tỉnh bị ảnh hưởng. Trong đó, tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng rất nặng nề về phát triển kinh tế xã hội. Đến giờ, tại sao lại sơ suất đến mức để 5 vạn người chen lấn khi đi lễ chùa. Dù lỗi của ai cũng không thể chấp nhận được. Bởi theo dõi trên các báo không thấy sự chỉn chu thực hiện nghiêm túc 5K phòng dịch, khẩu trang. Rất đáng quan ngại”- PGS. TS Bùi Thị An nêu ý kiến.
Bà Bùi Thị An đề nghị Chính phủ cần xem xét, chấn chỉnh để thực hiện đúng mục tiêu kép và đầu tiên vẫn là phòng, chống dịch bệnh.
“Tôi cũng cầu mong không có chuyện gì xảy ra nhưng lỡ xảy ra thì hậu quả sẽ thế nào. Cho nên, lễ hội, cơ sở thờ tự có thể mở cửa nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ” - bà Bùi Thị An nêu ý kiến.
|
PGS. TS Bùi Thị An. |
Còn ở góc độ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi trao đổi với PV cho biết, chuyện xảy ra tại chùa Tam Chúc ông giao thượng tọa Thích Minh Quang, phó trụ trì chùa Tam Chúc trao đổi với báo chí.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nói thêm, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, giáo hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các chùa phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Trước việc 5 vạn người về chùa Tam Chúc, giáo hội yêu cầu nhà chùa phải có giải pháp điều tiết lượng khách vào chùa, tuân thủ nghiêm yêu cầu giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt…
Chỉ đạo gấp phòng, chống dịch COVID-19
Ngay sau khi xảy ra tình trạng hàng vạn người chen chúc tới chùa Tam Chúc, ngày 15/3, Sở VH,TT&DL Hà Nam đã kiểm tra, làm việc với Ban quản lý khu du lịch Tam Chúc và nhà chùa từ sáng sớm để đưa ra các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 chặt chẽ hơn.
Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nam Nguyễn Văn Trọng yêu cầu phải thực hiện nghiêm 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tăng cường các tổ công tác của nhà chùa, bố trí thêm các đội tuyên truyền loa tay yêu cầu người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Ban quản lý khu du lịch Tam Chúc phải có định hướng phân luồng khách ngay từ ngoài cổng vào chứ không thể để khách dồn vào bên trong chốt bán vé mới phân luồng.
Cùng ngày, Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành yêu cầu tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở tự viện. Trong đó, yêu cầu các Trụ trì, các Ban Quản trị tự viện tiếp tục nâng cao các biện pháp trong phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; phối hợp chặt chẽ với Chính quyền địa phương để có phương án cụ thể đảm bảo sự giãn cách, tránh ùn tắc, chen lấn đông người. Đảm bảo khai báo y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, và sát khuẩn.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thuỷ đã có công văn gửi các UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong đó, Bộ yêu cầu Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch; người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; khách tham quan bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội.Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; yêu cầu nhân dân thực hiện "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế tại các điểm du lịch; bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội.
Xây dựng, thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc cho biết, con số 5 vạn du khách tới chùa hôm 14/3 là con số đột biến, nằm ngoài dự kiến của nhà chùa và ban quản lý nên lúc đầu đã không xử lý kịp để xảy ra tình huống dồn ứ khách cục bộ trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Nhà chùa sẽ rút kinh nghiệm để đối phó chủ động hơn, thực hiện phân luồng tốt hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hàng ngàn người tham dự Lễ hội tại chùa Tam Chúc
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.
Hải Ninh