Nhiều hộ dân bị nứt nhà
Mới đây, báo Kiến Thức nhận được phản ánh của nhiều hộ dân về việc nhiều năm qua họ phải sống bất an bên mỏ đá khổng lồ Tân Đông Hiệp có tổng diện tích khai thác khoảng 45.000m2 (thuộc phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, Bình Dương) tiếp giáp với xã Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Mỏ đá Tân Đông Hiệp, được cấp giấy phép khai thác và chế biến đá từ năm 1993. Hiện có 4 doanh nghiệp đầu tư và đang khai thác gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Trung Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3/2.
|
Mỏ đá Tân Đông Hiệp khai thác gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. |
Theo phản ánh của người dân, trong suốt hàng chục năm qua hàng trăm hộ dân sinh sống gần khu vực mỏ đá Tân Đông Hiệp hoàn toàn bị đảo lộn bởi những trận rung chuyển do hoạt động nổ mìn khai thác đá, khiến hàng chục căn nhà bị nứt nẻ.
Bụi bặm thì luôn bao trùm cả khu vực gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều tuyến đường dân sinh bị băm nát. Đặc biệt nguy hiểm hơn, cuộc sống người dân ngày càng bị đe dọa khi chẳng biết các ngôi nhà sẽ sập đổ bất cứ lúc nào không hay.
Chị Dương Thị Phượng (SN 1965, người dân sống gần mỏ đá hơn 20 năm) cho biết: “ Một tuần mỏ đá lại nổ mìn 3 lần, việc nổ mìn khai thác thác đá thường diễn ra vào giờ trưa khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Bụi đá bay mù mịt, ngày nào nhà tôi cũng phải quét đi, quét lại nhà 3 lần nhưng vẫn không thể sạch bụi, tất cả đồ đạc trong nhà đều phủ dày lớp bụi đến nỗi tôi cũng chẳng còn sức mà lau dọn. Mỗi khi giặt áo quần mà cũng không dám phơi ngoài trời vì bụi bặm quá nhiều”.
|
Mỏ đá Tân Đông Hiệp gây ô nhiễm, làm nứt nhà dân. |
“Do khai thác âm dưới đất nên nổ mìn đã gây ra chấn động lớn, nhà cửa của bà con trong thôn đều bị rạn nứt nhiều chỗ, ai cũng lo sợ. Tôi cũng rất lo lắng vì nhà mới xây mà giờ đã bị rạn nứt. Mỗi khi mỏ đá nổ mìn gây rung chấn mạnh khiến nhiều người giật mình bỏ chạy, tìm nơi trú ẩn như nhà tắm, gầm giường để tránh nguy hiểm.”, anh Lê Văn Thủy ( SN 1984, người dân sống gần mỏ đá) bức xúc.
|
Những vết nứt lớn trên tường nhà của người dân. |
“Cứ buổi chiều đi làm về, khi mở cửa vào nhà là những lớp bụi dày đặc bao phủ từ nền nhà cho đến tất cả các vật dụng, bát đĩa, mặc dù nhà tôi vẫn khóa cửa”, anh Thủy cho biết thêm.
Ô nhiễm môi trường
Không chỉ nổ mìn gây hư hỏng nhà cửa, hoạt động khai thác còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống, phá nát các đường dân sinh khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, bệnh tật.
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, tại mỏ đá Tân Đông Hiệp nhiều máy móc hoạt động với công suất lớn, xe tải nườm nượp nối đuôi nhau ra vào để vận chuyển đá ra khu vực tập kết. Nhiều xe tải chạy nghênh ngang, dàn hàng ngang giữa đường khiến cho người dân ở đây đi lại rất khó khăn.
Khi vận chuyển đá, các xe tải không phủ bạt che để đảm bảo vệ sinh môi trường, khiến cho đá rơi xuống đường vương vãi khắp nơi, bụi bặm phủ kín mít cả tuyến đường dân sinh.
Bên cạnh đó,trên trục đường Mỹ Phước - Tân Vạn nằm sát cạnh mỏ đá cũng chịu chung số phận với tình trạng ô nhiễm nặng nề. Tuyến đường này là của ngõ giao thông huyết mạch giữa 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, vì vậy nguy cơ tai nạn luôn rình rập người dân bất cứ lúc nào.
|
Xe tải nườm nượp nối đuôi nhau vào khu mỏ. |
Anh Lê Văn Thủy (SN 1984, trú ấp Cầu Hang, xã Hóa An TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Nhiều xe tải vận chuyển với trọng tải lớn đã làm cho con đường tan nát, mọi người đi ngang qua chắc cũng chẳng nhận ra là đó là con đường nữa.
Trời nắng thì bụi bặm,trời mưa thì con đường trở nên nham nhở, nhếch nhác như vùng đầm lầy, đến nỗi mọi người cũng không dám ra đường. Với tình trạng ô nhiễm kéo dài, khiến cho nhiều người trong ấp lâm vào bệnh nặng, hầu hết đều bị bệnh về phổi.
|
Giao thông đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. |
Dù vậy, các doanh nghiệp khai thác cũng chẳng hỗ trợ cho chúng tôi đồng nào cả. Nhiều hộ dân rất muốn chuyển đi nơi khác sinh sống, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên đành chấp nhận sống chung với bụi bặm”.
Chị Đặng Thị Trang (59 tuổi, trú ấp Cầu Hang, xã Hóa An TP Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Mỗi ngày có đến hàng trăm xe tải ra vào để vận chuyển đá, việc vận chuyển đá hoạt động sớm từ lúc 3h sáng làm cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ đến 3h sáng tôi lại thức giấc bởi những tiếng gầm rú vang dội của những chiếc xe tải đang ào ào đi ra đi vào. Việc mất ngủ quá nhiều đã khiến tôi trở nên mệt mỏi, sức khỏe cũng bị giảm sút."
Tố Nhã