Bỏ buôn lậu, làm nông dân và thành... tỉ phú

Google News

Hai trùm buôn lậu, một người từng bị kết án 6 năm tù giam; một người từng bị công an bắn xuyên chân và phát lệnh truy nã toàn quốc.

Một thời dọc ngang
Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, vùng biên giao nhau giữa 3 tỉnh Long An, Tây Ninh của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia xuất hiện một ông trùm buôn lậu “danh trấn giang hồ” với biệt danh “Xì đen”, tục danh là Lê Minh Phăng, hiện ngụ ở ấp 4, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, Long An.
Nổi tiếng đến mức bây giờ dù bị kết án, ra tù, giải nghệ đã hơn chục năm và hiện còn là tỉ phú, giàu nức tiếng trong vùng nhờ trồng chanh, nhưng hỏi đến Lê Minh Phăng là lập tức chuyện cũ kể mấy cũng không hết. Lê Minh Phăng trước mặt chúng tôi bây giờ là một người đàn ông ngoài 50 đúng nghĩa, cao, to, đen như con trâu mộng lừng lững cùng kiểu ăn nói bỗ bã và hào sảng đúng chất anh Hai Nam Bộ cũ.
Bo buon lau, lam nong dan va thanh... ti phu
Tỉ phú nông dân Trần Văn Bàng. Ảnh: H.V.M
Cạn chén rượu nghe “ực” rõ to, “Xì đen” khoe anh chị cùng thời với mình nói riêng và dân buôn lậu vùng biên Long An, Tây Ninh thời đó nói chung, ai cũng ít nhất một lần tra tay vào còng số 8 do bị công an phục bắt, nhưng “riêng Xì đen này thì chưa lần nào!”.
Chúng tôi đem chuyện này đi xác minh thì toàn nhận được những chuyện kể đầy thán phục của dân cùng nghề và những cái lắc đầu ngán ngẩm của lực lượng chống buôn lậu thời đó.
Anh Phạm Văn Hoàng - Công an xã Bình Hòa Nam, người từng nhiều năm tham gia truy bắt “Xì đen” kể lại: “Xì đen đánh hơi nguy hiểm và luồn lách rất giỏi. Dưới nước hay trên cạn, Xì đen luôn chiến thắng lực lượng chống buôn lậu bởi giỏi võ cộng với liều lĩnh hơn người”.
Anh Hoàng bảo “một phần do lực lượng chống buôn lậu thời điểm đó chỉ được dùng súng bắn lên trời thị uy chứ không được bắn thật nên “tài năng” của “Xì đen” càng có đất để dụng võ”.
Một ông trùm khác “lớn” lên sau Lê Minh Phăng nhiều năm, nhưng độ nổi tiếng cũng không thua gì là Trần Văn Bàng ở xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Đối lập với Lê Minh Phăng, anh Bàng người nhỏ con, không hầm hố và chuyện trò từ tốn kiểu mẫu người đã thấm đủ đắng cay, vinh nhục.
Và chuyện đời của anh Bàng còn ly kỳ hơn khi anh tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1998 và được TAND huyện Đức Huệ xin nhận về công tác, nhưng anh đã từ chối vì chê lương thấp, sau đó về đầu quân làm Công an xã Mỹ Quý Đông. Tuy nhiên cũng chỉ được 2 năm, anh Bàng bỏ nghề để đi… buôn lậu. Anh trai của anh Bàng là Trần Văn Luận, lúc đó đang làm công an huyện Đức Huệ cũng... xin ra khỏi ngành, theo “phụ” em trai!
Giữa năm 2001, trong một lần bị công an phát hiện vận chuyển hàng lậu và bỏ chạy, anh Bàng bị bắn bằng đạn cao su thủng… 8 lỗ ở đáy quần nhưng thoát được! Anh bảo “Trời Phật phù hộ chứ không đận đó tôi bay luôn bộ đồ nghề nối dõi!”.
Lần khác, anh bị mật phục, tháo chạy và bị bắn bằng đạn thật. Lần này là một phát xuyên chân, phải nằm bệnh viện điều trị 4 tháng mới đi lại được. Mới đây gặp nhau, chúng tôi hỏi anh có giận, có thù ghét những người từng là đồng chí nhưng lại bắn mình gãy chân không? Anh Bàng cười hiền: “Tôi không giận vì đó là việc họ phải làm, ai trong trường hợp đó cũng phải hành động như thế”.
Sau vụ bị bắn gãy chân, anh Bàng rút vào bóng tối để điều hành đường dây, còn việc ra mặt, vận chuyển thì giao lại cho “đám lính” khoảng 100 người và anh trai Trần Văn Luận. Đó là giai đoạn mà ông trùm Trần Văn Bàng “không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát”.
Còn nhớ, chúng chúng tôi đã nhiều đêm mật phục theo dõi đường dây buôn lậu của anh Bàng, rồi cả tiếp cận công khai những cùng lắm cũng chỉ được uống rượu với người anh Trần Văn Luận chứ Trần Văn Bàng vẫn ẩn nấp đâu đó trong bóng tôi không xuất lộ.
Nhưng rồi hai năm sau, anh Bàng buộc phải đi trốn thật khi công an Tây Ninh phát lệnh truy nã toàn quốc vì nghi liên quan đến một chuyên án buôn lậu tủ lạnh. Anh Bàng bị bắt. Tuy nhiên công an Tây Ninh chỉ tạm giữ 9 ngày để điều tra, sau đó phạt hành chính 2 triệu vì tội của anh chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hoàn lương và thành tỉ phú
Câu “lưới trời lồng lộng” luôn luôn đúng. Bằng chứng là cuối năm 1996, Lê Minh Phăng bị lực lượng chống buôn lậu bắt nguội ngay tại nhà do một đàn em đầu thú chỉ điểm với đầy đủ tang chứng vật chứng. Anh bị tuyên 6 năm tù, nhưng được hoãn thi thi hành án vì hoàn cảnh khó khăn, vợ ốm, con nhỏ…
“Một trùm buôn lậu như anh thời điểm đó lại cò hoàn cảnh khó khăn thì nghe vô lý quá?”, chúng tôi thắc mắc.
Anh Phăng cười buồn: “Thật ra cũng không có gì lạ bởi lúc đó tôi làm ra nhiều tiền nhưng chưa bao giờ nghĩ đến ngày mai sẽ ra sao nên tiêu lại còn nhiều hơn số làm ra với những cuộc ăn chơi trác táng với bạn bè, đàn em… Của thiên thì phải trả cho địa, sau này tôi mới hiểu đó là quy luật muôn đời!”.
Trong thời gian được hoãn thi hành án, anh Phăng quay sang làm nông để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, trồng cây chưa đến ngày hái quả thì thời hạn hoãn thi hành án sắp hết. “Đêm nào tôi cũng thức trắng với suy nghĩ, giờ mình vào tù thì vợ con lấy gì mà ăn?
Nghĩ mãi, cuối cùng tôi quyết định trốn luôn vào bưng (ý nói trong rừng sâu) vỡ đất hoang để trồng chanh. Đội thi hành án lùng sục nhiều năm liền nhưng vẫn không bắt tôi được”.
Đầu năm 2005, khi thu hoạch từ cây chanh dư sức nuôi sống vợ con, anh Phăng ra trình diện công an và chấp nhận đi cải tạo, đến năm 2007 thì may mắn được đặc xá.
Gặp chúng tôi, anh Phăng khoe hiện đang sở hữu trong ta 18ha đất, trong đó 5ha trồng chanh xen lẫn đu đủ, mỗi năm thu lãi tròm trèm 700 triệu đồng; số còn lại trồng mía, mỗi năm cũng kiếm khoảng 300 triệu đồng. Thế là thành tỉ phú!
Có vốn, anh mở thêm một công ty chuyên san lấp mặt bằng, đào kênh thủy lợi. Anh bảo “đời tôi không chịu học hành đàng hoàng, đứa con trai lớn nghỉ học nửa chừng cũng do tôi chỉ lo làm ăn bất chính rồi rơi vào vòng tù tội. Bây giờ có được số vốn, tôi mở công ty để hướng dẫn cách làm ăn cho con, coi như là bù lỗ cho nó”. Đặc biệt, có mấy chục người trước đây là cửu vạn chuyên đai hàng lậu cho “Xì đen”, giờ chuyển giải nghệ qua làm “công nhân” trên ruộng chanh với thu nhập trên 3 triệu đồng/ người/tháng.
“Ngày trước theo anh “Xì đen” đai hàng lậu tuy nhiều tiền nhưng luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ, giờ cũng làm thuê cho “Xì đen”, dù tiền có ít hơn nhưng là tiền sạch nên sống thanh thản mấy anh ạ”, một “công nhân” tên Tú tâm sự.
Khác với “Xì đen”, con đường hoàn lương của anh Bàng bắt đầu từ những ngày bị bắn gãy chân nằm bệnh viện. Khi nằm bệnh viện, trong túi anh Bàng cũng không còn một đồng...
Và rồi học theo Lê Minh Phăng, anh Bàng khởi nghiệp bằng 2ha đất trồng chanh và đã cho kết quả ngoài mong đợi. Chỉ trong vòng 5 - 6 năm, với vốn quay vòng từ cây chanh, anh Bàng mua đất rồi chuyển qua trồng dừa và bạch đàn trên diện tích khoảng 30ha.
Khi tích lũy được nhiều tiền, nghe dân trong vùng ai có nhu cầu bán đất là anh mua gom. Đến thời điểm này, anh Bàng đã gom được 40ha đất trồng tràm và bạch đàn cùng 40 ha đất ruộng trồng lúa. Tất tần tật mỗi năm anh Bàng thu lãi khoảng… 2 tỉ đồng!
Ngoài làm nông, anh Bàng còn mở đại lý vật tư nông nghiệp để cung ứng cho nông dân và các đại lý nhỏ trong vùng. Ai không có tiền thì anh bán nợ, nợ nhiều không có tiền trả thì anh lấy bằng đất. “Riêng năm rồi tôi thu hơn 2 tỉ từ đất” - anh Bàng khoe. Nghe đau xót cho nông dân nhưng đó là thực tế đáng báo động của cả vùng ĐBSCL và tất nhiên anh Bàng không có lỗi trong chuyện này.
Bỏ buôn lậu về làm nông dân, tôi mới có cơ hội nuôi 4 con ăn học đàng hoàng trên Sài Gòn với chi phí mỗi tháng gần 80 triệu. Con tôi chắc chắn không ai theo nghiệp nông dân như tôi nhưng cũng sẽ không có xuất phát điểm như tôi” - anh Bàng khẳng định.
Tất nhiên bỏ nghề buôn lậu để về làm nông dân rồi thành tỷ phú như “Xì đen” và Trần Văn Bàng thì thế gian có được mấy người. Nhưng đời họ là những tấm gương, những ví dụ để nói rằng không chuyện gì là không thể!
Theo Hoàng Văn Minh-Hữu Danh/Lao Động