Nhà thầu có vấn đề
Chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chọn được một số nhà thầu nước ngoài có năng lực như: Công ty OHL (Tây Ban Nha) thi công gói thầu số 7; Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) thi công gói thầu A1 và A4; liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô (Trung Quốc) thi công gói thầu A2, A3; Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) thi công gói thầu A5.
Thế nhưng, sau khi trúng thầu các nhà thầu trên không trực tiếp thi công mà đi thuê rất nhiều thầu phụ Việt Nam làm các hạng mục chính, quan trọng của dự án.
Tại gói thầu A3 do liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô trúng thầu, liên danh này đã chia nhỏ gói thầu A3 cho nhiều thầu phụ trong nước làm. Chỉ một đoạn ngắn từ km101+800 đến Km102+400 (dài 0,4km) của gói thầu A3 cũng được giao tới 4 nhà thầu thực hiện.
Việc liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô ‘băm nát’ gói thầu nhưng không có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực thầu phụ, thầu thứ cấp, dẫn đến mất khả năng kiểm soát chất lượng công trình xây dựng. Liên danh nhà thầu Trung Quốc này cũng tự giải thể khi dự án còn nhiều công đoạn chưa thực hiện, công trình chưa được bàn giao.
|
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chằng chịt những lớp vá |
Bên cạnh đó, dù cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được thông tuyến từ tháng 9/2018 nhưng còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Trong đó có 58 đường gom, đường ngang dân sinh, đường mượn của dân để thi công công trình, đường 24B kết nối với nút giao Bắc Quảng Ngãi chưa được thi công hoàn trả cho địa phương. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết nối giao thông, đến đi lại, sinh hoạt của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng kết luận VEC thuê một số đối tác ở Mỹ và Nhật Bản chịu trách nhiệm tư vấn giám sát dự án. Tuy nhiên, cơ quan chức năng ghi nhận tại công trường chỉ có một số kỹ sư nước ngoài làm việc, còn lại chủ yếu là kỹ sư người Việt không đủ năng lực, kinh nghiệm.
Từ những sai phạm quản lý chất lượng công trình trên, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan trong tất cả các khâu đấu thầu, thi công, giám sát, thanh quyết toán để khắc phục bất cập.
Chất lượng công trình quá kém
Bộ Công an còn kết luận đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm, kinh phí đầu tư rất lớn nhưng chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.
Sai phạm khiến việc thi công, nghiệm thu công trình trước khi khai thác, sử dụng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Từ đó, tuyến đường đã không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi xe lưu thông.
Theo Phân viện Khoa học - Công nghệ giao thông vận tải thuộc Bộ GTVT, các lớp nền - móng - mặt đường thuộc giai đoạn 1 của dự án không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đây là nguyên nhân khiến cao tốc 34.500 tỷ chi chít "ổ gà", nứt gãy. Đặc biệt các đoạn thi công kém chất lượng bị hư hỏng khi gặp nắng nóng kéo dài hay mưa đột ngột.
|
Ổ voi, ổ gà xuất hiện tại tuyến đường cao tốc nghìn tỷ |
Bộ Công an nhận thấy đủ căn cứ xác định việc xây dựng ở giai đoạn 1 của dự án không đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân do chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.
"Hành vi của một số người tại các đơn vị này đủ dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự", Bộ Công an kết luận.
Liên quan đến sai phạm dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đến nay, Bộ Công an đã khởi tố 19 bị can liên quan vụ án. Trong đó có ông Lê Quang Hào, Phó tổng giám đốc VEC, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và ông Nguyễn Tiến Thành, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, chiều dài toàn tuyến 139,2km, tổng vốn đầu tư khoảng 34,5 nghìn tỷ đồng. Dự án đầu tư này sử dụng vốn vay ODA của JICA và WB, vốn đối ứng trong nước; quá trình thi công được chia thành 2 giai đoạn, tương ứng với 2 đoan tuyến của dự án.
Nhật Di