Bộ GTVT chuyển đơn đến Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam giải quyết tố cáo

Google News

Thanh tra Bộ GTVT chuyển đơn tố cáo của công dân đến Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam để xem xét và giải quyết theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả giải quyết đơn về Bộ GTVT.

Mới đây, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chuyển đơn tố cáo của công dân đến Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam để xem xét và giải quyết, báo cáo kết quả.
Theo đó, ngày 11/9/2024, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Lê Văn Doãn, ký ban hành văn bản số 1009/TTr-P4, cho biết, ngày 27/8/2024, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải nhận được đơn tố cáo của công dân về việc mua bán hóa đơn cho Công ty Quản lý bay Miền Bắc.
Bo GTVT chuyen don den Tong Cong ty Quan ly bay Viet Nam giai quyet to cao-Hinh-2
Bộ GTVT chuyển đơn đến Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam để giải quyết tố cáo của công dân.
Cụ thể, theo đơn của ông Phạm Th.H. (SN 1974, phố Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội), do vô tình phát hiện, ông đã thu nạp được hàng loạt tin nhắn có nội dung môi giới, mua bán hóa đơn trong thời gian dài của bà T.B. - cho là cán bộ Công ty Quản lý bay Miền Bắc (thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải) với nhiều người bên ngoài.
Nội dung cho rằng trong khoảng thời gian dài, bà T.B., có trao đổi để thực hiện việc mua hóa đơn và ăn chênh lệch tiền thuế VAT với một số kế toán công ty khác cho Công ty Quản lý bay Miền Bắc (quận Long Biên, TP Hà Nội). Đồng thời, bà B. và những người này còn trao đổi, môi giới việc mua bán hóa đơn trái phép.
Về việc này, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chuyển đơn của công dân đến Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam để xem xét và giải quyết, báo cáo kết quả giải quyết đơn về Bộ Giao thông Vận tải (qua Thanh tra Bộ).
Ngày 2/10, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Lâm Phúc Anh Hà - Giám đốc Công ty Quản lý bay Miền Bắc cho biết, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam giải quyết, để Tổng Công ty làm việc với cá nhân bà B. Đây là việc cá nhân, Công ty không liên quan gì.
Nhằm làm rõ đa chiều, khách quan các nội dung thông tin, cùng ngày PV cũng đã liên hệ với bà T.B., nhưng bà B. từ chối trả lời, và nói rằng bản thân không có quyền phát ngôn.
Theo Điều 23 Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ quy định về việc sử dụng hóa đơn trái phép như sau:
Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để cá nhân, tổ chức khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn); Cho hoặc bán hóa đơn đã lập để cá nhân, tổ chức hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; Lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; Dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, một số trường hợp cụ thể hóa đơn được xác định là sử dụng bất hợp pháp, cụ thể: Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ; Sử dụng hóa đơn của cá nhân, tổ chức khác để bán ra, hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc để gian lận thuế, bán hàng nhưng không kê khai nộp thuế; Sử dụng hóa đơn của cá nhân, tổ chức khác để bán hàng hóa, dịch vụ nhưng không kê khai nộp thuế hoặc gian lận thuế; Để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào nhưng không có chứng từ; Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn; Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác kết luận là trái phép, sử dụng bất hợp pháp.
Theo quy định tại tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi mua bán hóa đơn để tăng chi phí có thể bị xử lý về tội: Trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính thì bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Người vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 500 đến 1.500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm: Vi phạm có tổ chức; Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn trái pháp luật; Người vi phạm từ 02 lần trở lên; Người tái phạm nguy hiểm.
Người trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 đến dưới 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm.
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản...
Đoàn Khang