Ngược đãi con cái bị xử phạt thế nào?
Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đăng tải thông tin cháu bé 10 tuổi bị chính bố đẻ và mẹ kế ngược đãi, hành hạ, đánh đập. Vậy thưa Luật sư, tôi muốn hỏi là các hành vi đánh đập, ngược đãi con cái sẽ bị áp dụng hình phạt như thế nào?
Huyền Trang - Hà Nội
Trả lời:
Về vấn đề bạn hỏi Luật sư Đặng Thành Chung – Công Ty Luật An Ninh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) xin trả lời như sau:
Pháp luật hiện hành quy định với các hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi con cái sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Ngay khi bố mẹ có hành vi ngược đãi, đánh đập con cái, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần phát hiện kịp thời, giúp đỡ, giải quyết. Trong trường hợp lần đầu vi phạm, hậu quả xảy ra với cháu bé còn chưa nghiêm trọng thì bố mẹ cháu sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại các Điều 49, 50 và 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.
|
Luật sư Đặng Thành Chung – Công Ty Luật An Ninh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội). |
Theo quy định này, bố mẹ có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng; bố mẹ có hành vi xâm hại sức khỏe của con; hành hạ, ngược đãi con sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Việc áp dụng các mức phạt tiền cũng phụ thuộc vào cách thức thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài phạt tiền, bố mẹ còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai.
Ngoài ra tại Điều 151 Bộ luật Hình sự cũng quy định: “Người nào có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Các hành vi ngược đãi được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về cá mặt sinh hoạt hàng ngày như nhiếc móc, bắt nhịn ăn hoặc có hành vi đánh đập,… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần.
Bên cạnh việc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 151, người đại diện hợp pháp của con cũng có thể đưa cháu bé đi giám định tỷ lệ thương tật và có đơn khởi kiện xử lý đối tượng theo quy định tại Điều 104 “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Sắp tới, Bộ luật hình sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2018. Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 đã quy định mức hình phạt nặng hơn so với Bộ luật hiện hành về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù
Theo Minh Tân/CADN