|
Đàn bò tót gày trơ xương. Ảnh: Công Hoan |
Gấp rút chuyển về Vườn Quốc gia
Ngày 1/10, ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Ðồng, cho biết, UBND tỉnh Lâm Ðồng vừa ra quyết định chuyển đàn bò tót lai cho Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận).
Ông Chương cùng một số cán bộ kỹ thuật của Trung tâm vừa đến trại bò tót lai F1 ở Vườn Quốc gia Phước Bình để kiểm tra, xử lý những vấn đề liên quan phản ánh của báo chí về việc bò tót lai bị ốm trơ xương sau khi đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Lâm Ðồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa” kết thúc.
Cùng ngày, Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Ðồng làm việc với Vườn quốc gia Phước Bình để chuẩn bị các vấn đề liên quan, sẵn sàng bàn giao đàn bò tót lai quý hiếm cho Vườn quốc gia chăm sóc, bảo tồn và khai thác.
Chủ tịch Ninh Thuận chỉ đạo cứu đàn bò tót
Sáng 1/10, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trường thực hiện các giải pháp để cứu đàn bò tót F1 đang bị suy dinh dưỡng
Ông Ðặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, nói: “Trước mắt, Vườn quốc gia Phước Bình sẽ tạm ứng kinh phí để vỗ béo lại đàn, chăm sóc y tế cho đàn bò. Sau khi có quyết định tiếp nhận từ Lâm Ðồng, Sở sẽ bàn bạc lại với những đơn vị liên quan có kế hoạch lâu dài trong việc chăm sóc, sử dụng nguồn gen quý hiếm của đàn bò này”.
Thiếu thức ăn, gầy trơ xương
Trước đó như đã đưa tin, PV Tiền Phong có mặt tại Trại khảo nghiệm Phước Bình - nơi nuôi nhốt 11 con bò tót lai từ con bò tót rừng tại VQG Phước Bình. Chuồng rộng 200 m2 với mái trại lợp tôn, được ngăn cách với nhau bằng những khung sắt hàn bao quanh. Chuồng trại nhiều năm không được tu sửa, hoen gỉ, xuống cấp. Thấy người lạ, đàn bò tỏ vẻ dè chừng, lùi lại phòng thủ. Xương sườn, xương bả một số con nhô ra. Một số con khác chân đi xiêu vẹo.
Là người trực tiếp chăm nuôi đàn bò lai, ông Nguyễn Đình Tích (ở Bạc Rây 2, xã Phước Bình) cho biết, hơn một năm nay, kinh phí nuôi không còn được duy trì. “Không có tiền mua cỏ, cám và ngô, 11 con bò chỉ ăn rơm khô, uống nước suối nên chúng gầy trơ xương. Tôi cũng thương lắm, nhưng mình cũng nông dân nghèo khó, không giúp gì được", ông Tích nói. Theo ông Tích, những con bò tót lai F1 gần như không bệnh tật, ăn rất khỏe. Một con bò tót có thể ăn 3 bao cỏ một ngày, nhưng hơn 1 năm nay chúng chỉ ăn rơm khô nên trọng lượng giảm rất nhiều và chậm chạp.
Đàn bò tót F1 do ông Tích nuôi đến nay đã gần chục năm, nhưng chưa con nào sinh sản. Từng có kích thước lớn, nhưng do dinh dưỡng không đủ, đàn bò F1 nay còn nhỏ hơn cả bò nhà. Cạnh trại nuôi bò tót F1, gia đình ông Tích cũng nuôi 20 con bò nhà nhưng thức ăn cũng không đủ cho chúng. “Tôi có trồng cỏ nhưng đàn bò nhà còn không đủ để ăn, chia cho bò tót thì cả 2 đàn đều không phát triển. Riêng con bò lai F2 tôi cho nhốt chung vào đàn bò nhà mình để được ăn cỏ vì nó đang có bầu”, ông Tích kể.
Năm 2008, một còn bò tót rừng đực (tên khoa học là Bos gaurus) xuất hiện ở khu vực thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình. Con bò này đuổi hết bò đực nhà và giành quyền giao phối với bò cái của người dân nuôi thả. Đến năm 2014, bò tót rừng chết, để lại cho người dân địa phương hàng chục con bò tót con thế hệ F1. Dự án bảo tồn gen của bò tót rừng được Bộ NN&PTNT thông qua và 10 con bò tót F1 tốt nhất được mua lại, giao cho Trung tâm Ứng dụng KH-CN Lâm Đồng chăm sóc.
Đến nay cả 5 con bò cái trong đàn vẫn chưa thể sinh sản, riêng một con đực F1 khi thả rong tình cờ giao phối với một bò cái nhà, sinh ra một bò cái con. Hai năm trước, con lai F2 này được dự án mua lại, cho nhập đàn vào trại khảo nghiệm, nâng lên 11 con. Theo Trung tâm Ứng dụng KH-CN Lâm Đồng, lúc đầu dự án khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa có kinh phí 5 tỷ đồng. Khi dự án kết thúc vào tháng 6/2019, trung tâm này không còn kinh phí để duy trì việc nuôi dưỡng đàn bò.
Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-CN Lâm Đồng, cho biết, sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu, đơn vị có tờ trình bàn giao nhưng thủ tục đến nay mới xong và đã nghiệm thu. Dự kiến, tháng 10/2020, trung tâm sẽ bàn giao cho VQG Phước Bình quản lý, chăm sóc đàn bò. “Từ khi kết thúc đề tài, kinh phí nuôi dưỡng đàn bò cũng không còn. Trung tâm phải tự cân đối nguồn kinh phí của đơn vị bình quân 10 triệu đồng/tháng để thuê người chăm sóc, nuôi dưỡng và mua thức ăn cho bò. Ngoài ra, hằng tháng, trung tâm có cử bác sĩ thú y xuống kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho đàn bò”, ông Chương nói.
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, nói rằng, nuôi dưỡng đàn bò cần khoảng 80 triệu đồng/tháng. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, khoảng 5 - 6 tháng là đàn bò phục hồi gần như nguyên trạng. VQG Phước Bình và Sở KH&CN Ninh Thuận đã làm công văn gửi UBND tỉnh Ninh Thuận xin nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh để chăm sóc bầy bò, đang chờ tỉnh trả lời”, ông Vân nói.
Theo Tiền phong