Bộ trưởng GTVT “sốt ruột” vì đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hoạt động

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ còn 5 ngày nữa là kết thúc năm 2018, nhưng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa vận hành thương mại như dự kiến trước đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã làm việc với Tổng thầu Trung Quốc để đốc thúc dự án đúng tiến độ.
 

Trong đợt vận hành thử liên động 5 đoàn tàu dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Một số tờ báo dẫn lời đại diện chủ đầu tư cho biết, dự kiến cuối năm sẽ chính thức vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, chỉ còn 5 ngày nữa là kết thúc năm 2018, đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đứng trước nguy cơ chưa thể vận hành.
Liên quan đến việc này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể đã phải làm việc với ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án (Tổng thầu EPC Trung Quốc) đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Bo truong GTVT
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải đảm bảo tiến độ và vận hành an toàn tuyệt đối. Ảnh VnEconomy 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các bên nhanh chóng hoàn thành dự án để đưa công trình vào vận hành. Bộ Giao thông sẽ yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với các cơ quan của Hà Nội hỗ trợ nhà thầu nghiệm thu nhanh nhất theo đúng quy định.
Ông Thể cũng đề nghị nhà thầu phải hoàn thiện hồ sơ xuất xứ, nguồn gốc thiết bị, vật tư; hồ sơ hoàn công từng phần để có thể hoàn thành hồ sơ nghiệm thu tổng thể; trên cơ sở đó bàn giao công trình cho Hà Nội để đưa vào vận hành, khai thác.
Lý giải việc đến nay đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hành, ông Đường Hồng thông tin, công trình chưa được khai thác theo kế hoạch tiến độ do còn một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án. Các vướng mắc này do quy định khác nhau giữa hai nước.
Còn ông Vũ Hồng Phương - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, thời gian qua Ban đã phối hợp với Tổng thầu nghiệm thu được hơn 80% các hạng mục; riêng hợp phần thiết bị chưa nghiệm thu do cần hoàn thành lắp đặt, kiểm tra đảm bảo an toàn.
Còn một số hạng mục tiếp tục triển khai thi công bao gồm: cảnh quan ga Cát Linh; cầu thang lên xuống, lắp đặt lan can kính các nhà ga, kiến trúc khu Depot; thi công đấu nối thoát nước khu gian ga Vành đai 3; kết cấu bể tự hoại, bể tách dầu; hệ thống đường nội bộ; hàng rào bao quanh khu Depot; cảnh quan, cây xanh…
Về cung cấp và lắp đặt thiết bị, đã vận chuyển được 13/13 đoàn tàu về đến công trường. Hiện đang tiến hành vận hành, chạy thử trong khu vực Depot. Công tác nhập khẩu vật tư, thiết bị đang được Tổng thầu tiếp tục thực hiện, tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 95%. Tổng thầu triển khai lắp đặt khoảng 83%.
Ngày 20/9/2018 đã bắt đầu công tác vận hành chạy thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và sẽ kéo dài chạy thử từ 3 - 6 tháng.
Về giải ngân, từ đầu dự án đến nay đã giải ngân 13.066 tỷ đồng, đạt 84,1% tổng số vốn. Riêng năm 2018, đã giải ngân 1.174 tỷ đồng, đạt 43,5%.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu Depot. Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư sau đó tăng lên 18.002 tỷ đồng (868 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng là 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).
Dự án khởi công từ tháng 10/2011 và kế hoạch hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại trong quý 1 năm 2018.
Tuy nhiên, kế hoạch trên bị "lụt" tiến độ, phải đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 dự án mới có khả năng đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Kim Ngưu