Bộ trưởng NN&PTNT trả lời chất vấn: Nóng chuyện giải cứu nông sản

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều ĐBQH đã dành những câu hỏi chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT liên quan đến vấn đề “giải cứu nông sản”, trong đó có chuyện giải cứu thịt lợn.

Giải cứu thịt lợn xong thì sẽ giải cứu mặt hàng nào?
Sáng 13/6, mở màn đầu tiên cho phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, ông nhận thức phiên chất vấn này là cơ hội để tiếp thu những đóng góp, hiến kế cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Trong đầu giờ sáng cùng ngày, đã có 68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Tại buổi chất vấn, nhiều ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về các vấn đề giải quyết bất cập để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ; giải quyết cơ chế xin cho trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi lợn; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này; vấn đề tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu (tạm nhập tái xuất); giải pháp đột phá thực sự để tái cơ cấu nông nghiệp... Trong đó, vấn đề được nhiều ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận chất vấn trong buổi sáng ngày 13/6 chính là việc giải cứu nông sản. Ngoài việc giải cứu đàn lợn, nhiều mặt hàng nông sản khác như dưa hấu, cam quýt, bưởi… cũng đã được các ĐBQH đề cập đến.
Bo truong NN&PTNT tra loi chat van: Nong chuyen giai cuu nong san
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.
ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về việc quy hoạch đàn lợn, dẫn đến thừa thịt lợn.
Trả lời những câu hỏi liên quan đến câu chuyện "giải cứu đàn lợn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, thời gian qua, sức sản xuất của chúng ta tăng trưởng quá nhanh (cả về thịt, sữa, cá, trứng) dẫn tới sức cung vượt quá nhu cầu; Thứ hai, tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác về tổ chức thị trường, chúng ta mới chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ lợn sữa, lợn thịt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc... Tóm lại chúng ta mới chỉ làm được 1 phân khúc, còn 2 phân khúc khác chúng ta rất kém, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực này và đưa ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Tranh luận lại Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu ý kiến: "Tôi thấy bộ trưởng trả lời đại biểu Sơn về căn cứ lập quy hoạch nhưng chưa thuyết phục. Trong việc giải cứu đàn lợn tôi thấy vắng bóng vai trò của quản lý nhà nước. Nếu quy hoạch lập ra có căn cứ, tiêu chí phù hợp với giai đoạn đó, khi thị trường thay đổi thì vai trò của quản lý nhà nước như thế nào trong việc cung cấp thông tin, định hướng sản xuất. Bộ trưởng nói bây giờ phải có nhà sản xuất thông minh, còn cử tri thì nói rằng phải có nhà quản lý thông minh. Có câu hỏi là ngoài lợn thì giải cứu gì nữa? Tôi nghĩ là cây cao su đang cần giải cứu, rồi cam, quýt, bưởi khả năng cũng phải giải cứu nữa”.
Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) nói: "Xin Bộ trưởng cho biết từ nay đến năm 2018 thì trong lĩnh vực bộ trưởng quản lý thì có thêm mặt hàng nào phải kêu gọi tổ chức, người dân giải cứu như hành tím, dưa hấu, thịt heo? Đề nghị bộ trưởng cho biết mặt hàng nào sẽ xảy ra tình trạng như vậy để người dân còn biết mà tránh?"
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Chúng tôi không nói là chúng tôi làm tốt hết. Một đoàn tàu có ba khoang, chúng tôi mới làm tốt được một khoang, hai khoang còn lại yếu kém thì trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp chứ không đổ cho ai. Khoang thứ nhất là khoang sản xuất, nó là con giống, là thức ăn. Khoang thứ hai là chế biến và tổ chức thị trường làm rất kém, đây không nói là "ông Công thương" mà tôi nói về nông nghiệp trong phối hợp, rồi phát hiện, đề xuất, cảnh báo. Nhưng ngay ở nước Bỉ họ có GDP 500 tỉ USD, có 3% dân số làm nông nghiệp, vậy mà họ vẫn có khủng hoảng thừa… Cho nên chúng ta phải cố gắng để tổ chức lại sản xuất, quy hoạch, chế biến. Ví dụ, tổng đàn lợn hiện nay 4,2 triệu con lợn nái là quá thừa. Chúng tôi có kế hoạch giảm từ nay đến cuối năm 2019 xuống còn 4 triệu con. Thứ hai, 23 triệu tấn cám công nghiệp cũng quá thừa rồi. Chúng tôi thông báo yêu cầu các tỉnh là không cho phát triển nữa, chuyển một phần sản xuất sang cám truyền thống để chăn nuôi truyền thống, giảm nhập nguyên liệu về làm cám công nghiệp. Tổ chức lại sản xuất. Tất cả các doanh nghiệp lớn nay mai chúng tôi sẽ yêu cầu: đã sản xuất là phải chế biến".
Chia lửa với Bộ NN&PTNT trong vấn đề “giải cứu thịt lợn”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói gì?
Về vấn đề giải cứu đàn lợn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Trong thời gian vừa qua chúng ta đã thấy sự phát triển của đàn lợn như Bộ trưởng Cường đã báo cáo trước Quốc hội là tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Điều này cho thấy năng lực, tiềm năng của chúng ta vẫn tiếp tục phát triển nếu như chúng ta làm tốt công tác thị trường. Tôi đồng tình ý kiến của Bộ trưởng Cường nói rằng công tác thị trường của chúng ta thời gian qua làm cũng còn nhiều tồn tại, chưa giải quyết được những yêu cầu của phát triển sản xuất.
Bo truong NN&PTNT tra loi chat van: Nong chuyen giai cuu nong san-Hinh-2
 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
“Liên quan đến công tác thị trường, thứ nhất thị trường ở ngoài nước, chúng ta phải giải quyết được 2 vấn đề một là mở cửa thị trường về mặt thương mại, tức là các thuế suất, thuế nhập khẩu. Thứ 2 phải mở cửa về mặt thủ tục hành chính và các hàng rào kỹ thuật. Chúng ta đã làm tốt khâu đầu mở cửa thị trường, giảm thiểu thuế quan nhập khẩu của thị trường đó về 0%. Chúng ta có dư địa để xuất khẩu nhiều sản phẩm trong đó có thịt lợn nhưng hàng rào kỹ thuật là vấn đề chính khi chúng ta chưa đảm bảo những tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước nhập khẩu mà cụ thể như Trung Quốc. Chúng tôi đã triển khai hoạt động này từ suốt 2016 đến 2017, hai Bộ liên tục phối hợp với nhau nhiều lần sang Trung Quốc. Nhưng để đảm bảo thông qua được hàng rào của Trung Quốc thì phải tuyên bố vùng chăn nuôi của Việt Nam là vùng không có dịch bệnh lở mồm long móng. Đây là yêu cầu tối thiểu nhưng cần quy trình”, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.
“Với Trung Quốc, không chỉ thịt lợn mà thuỷ sản, thực phẩm của Việt Nam cũng đang xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, không bền vững. Do đó khó hạn chế được việc tạm nhập tái xuất. Giá cũng phải cạnh tranh, theo bộ trưởng. Với 10,6 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, giá thịt lợn của Việt Nam hiện đang cao hơn ở Mỹ và một số quốc gia khác nếu nhập khẩu vào Việt Nam. Vấn đề là Quy hoạch phải gắn theo nhu cầu thị trường:, Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay.
Hải Ninh