Nhiệm vụ nặng nề
Đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia 2018, việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là một trong 9 nhóm nhiệm vụ quan trọng thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng.
“Việc đổi mới thi kiểm tra đánh giá đã khắc phục tình trạng 1 năm có 3 kỳ thi liền kề rất nặng nề gồm Đại học, Cao đẳng và tốt nghiệp THPT. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đệ án với lộ trình đổi mới thi, hướng tới 1 kỳ thi chung và lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học và cao đẳng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Bộ đã thực hiện lộ trình này và qua hàng năm đã triển khai kỳ thi giảm đc áp lực cho phụ huynh và học sinh; đồng thời từng bước khắc phục được sự không minh bạch, tiến tới một kỳ thi trung thực”, ông Nhạ nói.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Bộ trưởng nhận trách nhiệm về gian lận thi cử 2018
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, năm 2018 xảy ra gian lận thi cử ở một số địa phương, đặc biệt khâu chấm thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
“Về vấn đề này, với trách nhiệm là tư lệnh ngành, tôi xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra những hạn chế trên trong ngành giáo dục”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Người đứng đầu Bộ GD&ĐT nêu rõ, việc tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi.
"Việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát", - Theo Bộ trưởng Nhạ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới những lùm xùm xung quanh kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Riêng về phía các địa phương, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình theo phân cấp, còn để xảy ra sai phạm.
"Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi (nhất là ở khâu chấm thi) ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh", Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh về sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an để điều tra xác minh và bước đầu đã có kết quả. Đồng thời, Bộ đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong toàn ngành.
Do tính chất phức tạp của vụ việc, Bộ Công an vẫn tiếp tục điều tra và khởi tố bị can vụ gian lận thi cử 2018. Bộ Giáo dục cũng đưa ra quan điểm rõ ràng là nghiêm khắc chống gián lận, đưa ra khỏi ngành những cá nhân có dấu hiệu vi phạm đã được xác minh.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, đối với các thí sinh được nâng điểm đã chấm đưa về điểm thật và không đủ điểm thi vào đại học bị trả về địa phương. Khi có kết quả điều tra, các đối tượng gian lận sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
“Quan điểm của chúng tôi là nghiêm khắc xử lý gian lận. Bộ cũng đã đề nghị các địa phương xem xét cho ra khỏi ngành các cá nhân, học sinh có dấu hiệu vi phạm được cơ quan công an điều tra, xác minh rõ", ông Nhạ nói.
Để khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, ông Nhạ cho biết thêm, Bộ đã triển khai một số giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, tăng cường quán triệt quy chế thi và tập huấn thật kỹ; thứ hai, điều các cán bộ coi thi và tăng cường các biện pháp thanh kiểm tra, nâng cấp và mã hóa toàn bộ dữ liệu đánh phách, camera giám sát chặt chẽ kỳ thi. Đối với bài thi tự động thì chấm thành 2 vòng, 5% chấm lại đối với các bài thi được điểm cao. Đồng thời Bộ cũng đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước giám sát để kỳ thi 2019 đảm bảo an toàn.
Về vấn đề bạo lực học đường gây bức xúc, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm. Bộ GD&ĐT cũng ban hành các văn bản quy phạm về vấn đề bạo lực học đường, chống bạo lực.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh cả nước hiện có gần 1,5 triệu giáo viên, trong đó phần lớn say mê nghề nghiệp. Hiện, chỉ có một bộ phận sa sút đạo đức, Bộ GD&DT sẽ cương quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành.
Giải pháp nào cho thí sinh bị tuột mất cơ hội vì bê bối gian lận?
Sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đã giơ biển tranh luận lại.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, Bộ GD&ĐT mới chỉ đi vào giải quyết những trường hợp được nâng điểm mà chưa có hành động đối với những thí sinh đã bị tuột mất cơ hội bởi sự cố gian lận này. Ông đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để công nhận bù lại cho những thí sinh bị mất cơ hội.
“Chúng ta đã có trong tay số lượng bị loại ra thì hoàn toàn có thể tính được những thí sinh có nguyện vọng vào các trường này mà bị đánh trượt. Cần phải có giải pháp này để bảo đảm sự công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật trong sự kiện gian lận lần này", ông Bộ nhấn mạnh.
Cần làm rõ thông tin giá nâng điểm thi 1 tỷ:
Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng 31/5 về gian lận điểm thi tại tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết, hiện tỉnh Sơn La đã giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, cơ quan an ninh điều tra xác định rõ xem trách nhiệm đến đâu, tinh thần “dứt khoát phải xử lý”. Hiện Ban Tổ chức Tỉnh uỷ vẫn đang làm và sẽ làm việc với chi bộ có những đảng viên này.
Nói về việc hầu hết trường hợp được nâng điểm đều là con của quan chức, cán bộ tỉnh?,ông Quỳnh cho biết, chỉ có sự thật thôi, không có vùng cấm. “Sẽ chỉ có xử lý nghiêm minh, trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra. Điều tra đến đâu xử lý đến đó”. Quan trọng là chúng ta phải tìm ra chứng cứ, sự thật.
Nói về việc có nên công khai danh tính những người liên quan, ông Quỳnh cho biết: “Nên công khai, nhưng phải có cách để công khai”.
Theo ông Nguyễn Đắc Quỳnh, ông đã đồng chí Phó viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh nói rằng thông tin giá nâng điểm trung bình cho mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng này mới là một phía, chưa được kiểm chứng. “Chúng tôi đã yêu cầu phải làm rõ bằng được. Nếu chứng minh không có việc này, nhưng có chuyện lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi, trục lợi cũng phải xử lý, dù không có tiền. Nếu dùng tiền để tác động nâng điểm thì dứt khoát phải xử lý theo tội nhận hối lộ”, ông Quỳnh nói.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết, hiện tỉnh đã cho thay Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019. Trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thủy được giao đảm nhiệm vai trò này giống như năm 2018, khi có phản ứng của dư luận. Người được đề xuất thay thế ông Thủy là ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
Hải Ninh