Bộ trưởng Y tế: Quỹ BHYT chưa vỡ, nhưng sau năm 2019 thì…

Google News

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng dù quỹ bảo hiểm y tế chưa vỡ nhưng sau năm 2019, năm nào dùng hết năm đó, nên tương lai xa có thể điều chỉnh mệnh giá mua BHYT.

Chiều 1/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có giải trình trên diễn đàn Quốc hội về một số nội dung nóng dư luận xã hội như dịch sốt xuất huyết, bảo hiểm y tế.
Theo Bộ trưởng, hiện số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ cao (82%), vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Về điều chỉnh giá BHYT đã làm cho người dân chi tiền túi và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên giá dịch vụ tăng là điều được đoán trước.
Dẫu vậy, do giá dịch vụ tăng, công tác thông tuyến, kỹ thuật cao được áp dụng đến tuyến tỉnh, tuyến huyện, ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên... nên nhiều địa phương bội chi quỹ BHYT.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay đầu năm 2016 kết dư BHYT là 47.000 tỷ.
"Kết dư nhiều vậy thì tốt hay không tốt? Không tốt vì đây là quỹ ngắn hạn người dân đóng thì phải được hưởng hết hàng năm. Quỹ còn chứng tỏ người dân chưa được hưởng các dịch vụ tốt, chưa hưởng được dịch vụ kỹ thuật cao, thể hiện nền kinh tế không công bằng. Cuối 2016 khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tính đủ 4/7 yếu tố thì dự tính trong năm nay quỹ sẽ bội chi 10.000 tỷ đồng. Nguồn kết dư 39.000 tỷ còn lại sẽ chỉ đủ dùng đến hết 2019 nếu giá duy trì như hiện nay", bà Tiến nói..
Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng dù quỹ bảo hiểm y tế chưa vỡ nhưng sau năm 2019, năm nào dùng hết năm đó, nên tương lai xa có thể điều chỉnh mệnh giá mua BHYT.
Bo truong Y te: Quy BHYT chua vo, nhung sau nam 2019 thi…
 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Nguồn ảnh: Zing
Về vấn đề bùng phát dữ dội dịch sốt xuất huyết, theo bà Kim Tiến, so với năm ngoái, năm nay số người sốt xuất huyết tăng 46%, số lượng tử vong nhiều hơn một ca (31 người) so với năm 2016, nhiều nhất ở phía Nam, nhưng nặng nề hơn cả là ngay tại Thủ đô Hà Nội
Mặc dù quá trình dập dịch của các cơ quan chức năng rất quyết liệt nhưng sốt xuất huyết vẫn kéo dài. Riêng Hà Nội đã cử các tổ giám sát đến tận gia đình, tổ chức phun thuốc thường xuyên nhưng hiệu quả chậm, vì một bộ phận người dân chưa hợp tác.
"Dịch sốt xuất huyết xảy ra đặc biệt trên địa bàn Hà Nội. Trong chống dịch thì phải nói rằng chưa bao giờ quyết tâm như vậy, nhưng dịch vẫn xảy ra trong thời gian dài như đại biểu Quốc hội nói thì chúng tôi thấy cái này là đúng và có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ngành", bộ trưởng báo cáo.
Mời độc giả xem clip "5 đối tượng được gia hạn thẻ Bảo hiểm Y tế": (Nguồn VTC1)
Bộ trưởng Tiến cũng giải trình về nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát dữ dội. Cụ thể, chủ yếu là xuất phát từ biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường.
"Nói về nguyên nhân, trước hết là biến đổi khí hậu, năm nay nắng nóng kéo dài, mưa cũng nhiều. Các nước trong khu vực cũng tăng đột biến về số ca mắc sốt huyết, đặc biệt có nước số ca tử vong còn nhiều hơn chúng ta. Thứ hai là vấn đề môi trường, vệ sinh tại các khu dân cư, nhất là khu đông người, có nhiều vũng nước đọng", Bộ trưởng giải thích.
Người đứng đầu ngành y tế cho rằng vấn đề phòng chống muỗi rất khó khăn. Hà Nội cũng như các tỉnh, TP khác rất quyết liệt, đến từng gia đình, phun hóa chất rồi diệt lăng quăng, sử dụng rất nhiều phương tiện truyền thông để tuyên truyền.
Bà Tiến cho biết, hiện sốt xuất huyết đã giảm, Hà Nội khống chế thành công, tuy nhiên ngoài sốt xuất huyết thì bệnh tay chân miệng cũng là nguy cơ.
P.H (tổng hợp)