Chiều 16/3, tại TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Bộ Y tế đã tổ chức buổi họp tập huấn công tác truyền thông về phòng, chống dịch cúm nhằm thông tin về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm ở nước ngoài và Việt Nam.
Tại cuộc họp, nói về dịch cúm A/H7N9, ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế - cho biết: “Dịch cúm A/H7N9 độc lực cao trên thế giới, đang hoành hành tại Trung Quốc (bắt đầu từ tháng 3/2013), dịch có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Từ tháng 10/2016 tới nay, dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng, tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 460 trường hợp mắc tại 14 tỉnh, thành phố. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận thêm 449 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 96 trường hợp tử vong“.
|
Dịch cúm A/H7N9 có độc lực cao trên thế giới, đang hoành hành ở Trung Quốc. Ảnh minh họa. |
Bộ Y tế nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn dịch bệnh
Tổ chức Y tế thế giới nhận định về tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 vẫn có thể diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc tiếp tục gia tăng. Tuy chưa khuyến cáo hạn chế việc đi lại, song có khuyến cáo hành khách du lịch nên tránh đi đến các khu vực đã phát hiện có ổ dịch, đặc biệt là các trang trại nuôi gia cầm, khu vực giết mổ và các khu vực được thông báo có nhiễm vi rút cúm A/H7N9 ở môi trường.
|
Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế. |
Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế - cho hay: “Nguy cơ lây truyền dịch bệnh A/H7N9 từ gia cầm sang người qua đường biên giới Việt Nam với Trung Quốc là rất cao. Đặc biệt, hiện nay, tình trạng vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn chưa được các cơ quan chức năng thắt chặt, kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, việc vận chuyển hàng lậu nhất là gia cầm lậu từ Trung Quốc vào nước ta thì nguy cơ nhiễm cúm A/H7N9 rất lớn. Ngoài ra, ý thức của người dân buôn bán, vận chuyển gia cầm chưa đúng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh”.
“Việt Nam đến thời điểm này, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm và người. Trong thời gian qua, Bộ Y tế luôn theo dõi sát sao, phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, cùng với đó là tổ chức các hoạt động tập huấn ở các địa phương không để dịch bệnh lây lan. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời”, ông Tấn nói.
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, mặc dù dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, song cho đến nay Việt Nam đã và đang ngăn chặn được sự xâm nhập của cúm A/H7N9. Bộ Y tế thường xuyên cập nhật báo cáo Lãnh đạo Bộ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp đã triển khai để kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống. Cập nhật, ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9.
Thời gian tới, Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, đánh giá nguy cơ; Cung cấp thông tin dịch cúm gia cầm cho các cơ quan báo đài truyền thông khuyến cáo cho người dân, cho các hành khách nhập cảnh, khách du lịch đến các vùng có dịch; Thực hiện việc việc truyền thông đa dạng như đăng website, tờ rơi, poster, truyền hình, trả lời trực tuyến trên đài báo; Mở rộng phạm vi, đối tượng giám sát (giám sát trọng điểm, EBS, SARI), đặc biệt tại các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia; chợ đầu mối giao lưu, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; Chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho việc xác định, điều trị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân khi có dịch bệnh xảy ra; Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống dịch, điều trị bệnh cúm nói chung và cúm A/H7N9 nói riêng; Tăng cường hợp tác quốc tế: phối hợp chặt chẽ với WHO, FAO, USCDC và các tổ chức quốc tế khác nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, hỗ trợ nguồn lực trong việc giám sát chủ động, chuẩn bị ứng phó với dịch cúm; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan thú y để chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; thường xuyên tổ chức các đợt tiêu độc, khử trùng tại các chợ gia cầm sống, đặc biệt là các chợ đầu mối, các trang trại chăn nuôi gia cầm; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để triển khai ngăn ngừa lây lan sang người; Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; Các đơn vị thuộc Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối; Các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia cầm lây lan sang người theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đảm bảo đủ kinh phí phòng, chống dịch chủ động để các hoạt động phòng chống dịch được triển khai sớm, có hiệu quả; bố trí kinh phí dự phòng, sẵn sàng cấp bổ sung trong trường hợp xảy ra các ổ dịch cúm trên gia cầm, lây sang người và trên diện rộng.
Đối với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần chỉ đạo các ban, ngành và các lực lượng liên quan của địa phương tăng cường trách nhiệm thực hiện việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các chợ đầu mối; Tổ chức tốt việc giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên gia cầm và ở người; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; Tổ chức chiến dịch tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh gia cầm có thể xâm nhập và lây lan trong cộng đồng, các biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, các yếu tố nguy cơ của việc sử dụng gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc và các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm tại địa phương.
Bảo Ngân