Điều đáng nói đây là đường dây chế tạo, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ với số lượng đặc biệt lớn liên quan đến nhiều đối tượng, nhóm tội phạm ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh Kiên Giang...
“Cất vó”
Đầu năm 2022, trên địa bàn TP Rạch Giá, TP Phú Quốc, TP Hà Tiên và một số huyện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến các đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội sử dụng các loại súng có tính năng như vũ khí quân dụng để giải quyết mâu thuẫn, bảo kê các điểm tệ nạn xã hội.
|
Cơ quan Công an khám xét nơi ở của Dương Minh Tuấn (tức Ba Teo). |
Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố rà soát, lên danh sách, triển khai các biện pháp đấu tranh, xử lý các đối tượng có dấu hiệu mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ. Ngày 8-8, Đại tá Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang và Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo xác lập chuyên án do Đại tá Mai Hòa Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự làm trưởng ban chuyên án.
Qua công tác nghiệp vụ, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự báo cáo với ban chỉ huy chuyên án về nhóm đối tượng chế tạo, mua bán súng hoạt động trên địa bàn TP Rạch Giá. Nhiều đơn hàng mua bán súng được các đối tượng ma mãnh tổ chức vận chuyển với nhiều hình thức nhằm đối phó với Cơ quan công an, trong đó nhóm đối tượng cầm đầu triệt để sử dụng hình thức giao hàng bằng các dịch vụ chuyển phát nhanh.
|
Cán bộ điều tra làm việc với Trần Văn Năng. |
Ngày 22-8, với sự hỗ trợ trực tiếp của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, ban chuyên án phát lệnh tấn công, đồng loạt các mũi công tác triển khai bắt, khám xét nơi ở của 10 đối tượng, phát hiện, thu giữ 84 khẩu súng, 341 viên đạn các loại, 365 ống kim loại, một số công cụ hỗ trợ, 1 máy tiện chuyên dụng và nhiều thiết bị, máy móc phục vụ việc chế tạo, cải tạo các loại súng bắn đạn bi, đạn thể thao thành súng có tính năng tương tự vũ khí quân dụng.
|
Đối tượng cầm đầu Dương Minh Tuấn. |
Tang vật thu giữ được đưa đi giám định với kết quả ban đầu xác định, trong số 84 khẩu súng có: 11 khẩu súng chế tạo thủ công, có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, thuộc danh mục vũ khí quân dụng; 51 viên đạn vũ khí quân dụng; 14 súng công cụ hỗ trợ và 225 viên đạn công cụ hỗ trợ; 59 súng đồ chơi nguy hiểm, 53 viên đạn thể thao.
Theo kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng trong đường dây là những đối tượng xã hội, đa phần có tiền án, tiền sự. Trong nhà và trên người các đối tượng luôn tàng trữ vũ khí nguy hiểm, cụ thể là súng có tính năng như súng quân dụng, sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ nếu bị phát hiện.
|
Vợ chồng đối tượng Cao Văn Hoài và Võ Ngọc Trăm. |
Chân dung kẻ cầm đầu
Kẻ cầm đầu, trực tiếp chế tạo, mua bán súng là Dương Minh Tuấn (tức Ba Teo, SN 1992, thường trú số 840 Nguyễn Thị Định, khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, Kiên Giang). Dương Minh Tuấn là đối tượng có 2 tiền án về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, không có nghề nghiệp ổn định, sinh sống trong khu lao động nghèo của TP Rạch Giá, có mối quan hệ xã hội phức tạp.
|
Đối tượng Cao Văn Hoài cùng tang vật. |
Tại nơi Tuấn sinh sống và sản xuất vũ khí quân dụng có nhiều dân anh, chị với nhiều tiền án, tiền sự. Khu vực nhà Tuấn cũng như một số đối tượng trong đường dây thường xuyên có những shipper đến giao nhận hàng. Hàng hóa được đóng gói cẩn thận trong các thùng xốp và thường được giao trực tiếp cho Tuấn.
Tuấn đặt mua các loại súng thể thao, súng đồ chơi của vợ chồng Cao Văn Hoài và Võ Ngọc Trăm (tạm trú số 1028/19A, khu phố 4, Nguyễn Trung Trực, phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang). Sau đó, để cải tạo súng có độ sát thương và chính xác cao, bán được nhiều tiền, Tuấn thuê đối tượng Trần Văn Năng (SN 1983) tiện cắt các linh kiện, thiết bị để chế tạo, cải tạo súng như: Nòng súng, cò, kim hỏa, ốp tay súng...
Sau khi cải tạo thành công, Tuấn bán lại cho nhiều đối tượng trên địa bàn TP Rạch Giá, TP Phú Quốc và các huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Biên... với giá từ 7-12 triệu đồng/khẩu. Riêng vợ chồng Hoài - Trăm khai nhận, ngoài việc đặt hàng mua súng đồ chơi nguy hiểm, súng thể thao để bán lại cho Tuấn, hai đối tượng còn lên mạng xã hội Zalo, Facebook rao bán súng do Tuấn chế tạo cho các đối tượng hình sự ở Kiên Giang và nhiều tỉnh, thành phố khác. Bước đầu xác định, Hoài đã bán 71 khẩu súng cho 62 đối tượng ở nhiều nơi trong cả nước.
|
Các đối tượng trong đường dây. |
Đại tá Diệp Văn Thế cho biết, hiện nay, tình hình các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động phức tạp, manh động, sử dụng nhiều hung khí nguy hiểm, thậm chí là súng để giải quyết mâu thuẫn, bảo kê các tụ điểm tệ nạn xã hội. Thời gian qua, Công an tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh làm tan rã các băng nhóm, không cho chúng hoạt động.
Trong đó, tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm từ cơ sở, phát hiện và giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân, giữa các nhóm thanh, thiếu niên, ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực dẫn đến các vụ án giết người. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để tội phạm sử dụng gây án.
Theo công an các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ, vấn đề đáng lo ngại hiện nay chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm đơn giản là người mua có thể tìm được các trang rao bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Bất chấp pháp luật, “chợ vũ khí” trên mạng vẫn hoạt động ngày càng biến tướng, đe dọa trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội. Dưới vỏ bọc là “vũ khí tự vệ”, nhiều trang web rao bán công khai bằng nick ảo. Điều nguy hiểm là những trang mạng xã hội này luôn thu hút hàng chục nghìn lượt like (thích) cũng như comment (bình luận) mỗi ngày.
Đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 10 đối tượng về hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng, gồm: Dương Minh Tuấn (tức Ba Teo, SN 1992, thường trú số 840 Nguyễn Thị Định, khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, Kiên Giang), Trần Văn Năng (SN 1983, thường trú ấp Cải Đuốc nhỏ, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), Cao Văn Hoài (SN 1995, thường trú số 414, Nguyễn Chí Thanh, khu phố 6, phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá, Kiên Giang), Võ Ngọc Trăm (vợ Cao Văn Hoài, SN 1996, thường trú ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), Trần Ngọc Thuận (SN 1987, thường trú tổ 17, ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), Lưu Tấn Đạt (tức Đen, Cậu Hai, SN 1987, thường trú 418 Trần Khánh Dư, phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang), Phan Văn Tính (tức Tính “Ba Sanh”, SN 1981, thường trú 334/22 Nguyễn Trung Trực, khu phố 4, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, Kiên Giang), Phương Hữu Nhân (SN 2000, thường trú ấp Minh Phong, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Phạm Văn Giàu (SN 1998, thường trú ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Khưu Thanh Tùng (tức Tùng “Zen”, SN 1993, thường trú số 48, Đặng Dung, phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, Kiên Giang).
Theo Trần Lĩnh/An ninh Thế giới