Bốc họ cá độ World Cup: Bẫy ngầm siết dân cuồng

Google News

Những ngày qua, trên các tuyến phố của Hà Nội như: Trần Cung, Hoàng Quốc Việt, Đội Cấn, Lê Duẩn… xuất hiện nhiều tờ rơi quảng cáo rao vặt có nội dung đại loại như: “A lô là có tiền”, “Gọi là có tiền”, “Cho vay trả góp”... dán tràn lan trên tường, tủ cáp – điện.

“Alô là có tiền”
Những ngày qua, trên các tuyến phố của Hà Nội như: Trần Cung, Hoàng Quốc Việt, Đội Cấn, Lê Duẩn… xuất hiện nhiều tờ rơi quảng cáo rao vặt có nội dung đại loại như: “A lô là có tiền”, “Gọi là có tiền”, “Cho vay trả góp”... dán tràn lan trên tường, tủ cáp – điện.
Đây là một trong những “kênh” quảng cáo, thu hút người có nhu cầu tìm đến dịch vụ “vay họ”, “bốc họ” của các cơ sở chuyên cho vay theo kiểu tín chấp. T “mầu”, 34 tuổi, chủ một cơ sở chuyên cho “vay họ”, “bốc họ” trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, do đang là thời điểm diễn ra World Cup 2018, nhiều đội bóng có tên tuổi, được cho là cửa trên như: Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… sớm phải về nước do bị thua trước đó nên nhiều dân chơi thua cá độ phải tìm tới dịch vụ “vay họ”, “bốc họ” để có tiền trả nợ. Có cầu ắt có cung, dịch vụ “vay họ”, “bốc họ” trong những ngày qua trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Sáng 4-7, điện thoại tới số máy 01232786xxx chủ nhân của tờ rơi quảng cáo có nội dung “cho vay trả góp – gọi là có tiền” được dán trên tuyến phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm), người đàn ông giọng ngái ngủ bảo rằng, cơ sở của anh ta chuyên cung cấp dịch vụ cho “vay họ”, “bốc họ”, chỉ cần đưa chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân và sổ hộ khẩu gia đình sẽ được cho vay ngay một khoản tiền tương ứng.
Thấy tôi nói: “Hiện đang ở Hà Nội, nhưng là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, chưa có việc làm”, người đàn ông này thẳng thừng từ chối: “Chưa có việc làm thì khỏi vay tiền em nhé!”.
 
Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước thái độ chảnh chọe của chủ dịch vụ “cho vay trả góp – gọi là có tiền” trên, T “mầu” lý giải, đó là do hiện lượng khách tìm đến dịch vụ “vay họ”, “bốc họ” trên địa bàn không ngừng tăng, nên hầu hết chủ các cơ sở đều chọn khách hàng.
Nếu thấy khách hàng không có việc làm ổn định, chủ các cơ sở sẽ từ chối. “World Cup còn diễn ra, dân chơi còn thua cá độ thì dịch vụ cho vay tín chấp theo kiểu này càng hút khách. Vì chủ các cơ sở luôn muốn nhân dịp này thu về “một mớ” thông qua khoản tiền lãi đi kèm từ các con nợ”, T “mầu” tiết lộ thêm.
Những hợp đồng trá hình
“Vay họ”, “bốc họ” là gì? Bản chất của dịch vụ này thế nào? Qua tìm hiểu từ các dân chơi, chúng tôi được biết, thực chất đây là cách gọi ám chỉ một kiểu vay tiền theo kiểu tín chấp, theo kiểu “tín dụng đen”.
Không như các cơ sở kinh doanh cầm đồ, người có nhu cầu vay tiền tìm đến các cơ sở cung cấp dịch này không phải thế chấp tài sản có giá trị như: điện thoại, dây chuyền, xe máy, xe ôtô... mà chỉ cần đặt lại sổ hộ khẩu cùng CMND. Sau khi kiểm tra xem có đúng người đi “vay họ”, “bốc họ” đang ở tại địa chỉ ghi trên sổ hộ khẩu, CMND không, nếu đúng, nhân viên các cơ sở này sẽ làm thủ tục cho vay tiền dưới dạng “vay họ”, “bốc họ”.
Theo N – chủ dịch vụ “A lô là có tiền” có số điện thoại 0972944xxx, để “bốc họ” với số tiền 10 triệu đồng, người có nhu cầu phải để lại sổ hộ khẩu và CMND, sau đó đóng một khoản tiền tương ứng là 250 ngàn đồng/ngày. Việc đóng “họ” – tức đóng tiền (cả gốc lẫn lãi) này sẽ kéo dài trong 50 ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc, khi vay 10 triệu đồng dưới hình thức “vay họ”, “bốc họ”, người vay tiền sẽ phải mất 2,5 triệu đồng tiền lãi (trong 50 ngày) – một khoản tiền lãi không hề nhỏ.
Để làm tin và không bị người “vay họ”, “bốc họ” trốn nợ hoặc không trả tiền lãi theo quy định, chủ cơ sở cung cấp dịch vụ thường giữ sổ hộ khẩu cùng CMND người vay. Trong trường hợp có việc gấp cần đến CMND, người vay tiền có thể “mượn” lại CMND. Bên cạnh đó, nhằm thuận tiện hơn trong quá trình kiểm tra thông tin, thu tiền lãi từng ngày, chủ cơ sở cung cấp dịch vụ thường chỉ cho khách hàng có chỗ ở và nơi làm việc gần khu vực hoạt động của mình.
Mặt khác, chủ dịch vụ dạng này còn “sắm” bên mình một đội ngũ “ong ve” – thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự làm nhiệm vụ đi thu tiền “họ” hoặc khi cần sẽ nhận lệnh đến nhà người vay tiền khủng bố tinh thần (quát tháo, đe dọa, ném chất bẩn vào nhà con nợ…), thậm chí còn đe dọa cưỡng đoạt tài sản, giữ người trái pháp luật gây mất an ninh trật tự.
Thực tế cũng đã chứng minh bởi không ít vụ các đối tượng cho “vay họ”, “bốc họ” có hành vi đe dọa, đánh đập, bắt giữ trái phép con nợ bị lực lượng Công an điều tra, xử lý trong thời gian qua.
Trở lại câu chuyện với T “mầu”, chúng tôi còn được hay, để hợp thức hóa các khoản tiền vay theo kiểu tín chấp trước đó cũng như phòng trường hợp người vay tiền “trở mặt”, chủ dịch vụ thường hợp thức hóa giao dịch – việc vay tiền bằng một hợp đồng trá hình, ví dụ người có nhu cầu vay 10 triệu đồng, thì phải ký hợp đồng mua bán tài sản với nội dung đại loại như, người vay tiền có bán cho chủ dịch vụ một chiếc xe máy với giá 12,5 triệu đồng cùng mốc thời gian người vay tiền phải giao tài sản – chiếc xe máy.
Thời gian này ứng với ngày mà người vay tiền phải đóng hết toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi. Như “cá nằm trên thớt”, nếu không trả nợ đúng hẹn, người vay tiền rất có thể sẽ bị chủ dịch vụ “lật kèo”, kiện vì hành vi lạm dụng tín nhiệm (hoặc lừa đảo) chiếm đoạt tài sản.
Đây chính là lý do lý giải vì sao, sau khi bị cuốn vào cơn “sóng ngầm” mang tên “vay họ”, “bốc họ”, người vay tiền khó tránh khỏi cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”, gặp nhiều hệ lụy khôn lường đi kèm.
Theo Công an nhân dân