Tiếp tục thu phí có hợp lý?
Trong đơn gửi Tiền Phong, ông Vũ Quang Hải, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Hưng Yên nêu: Dự án đầu tư xây dựng cầu Yên Lệnh trên QL 38 được thực hiện từ tháng 8/2001, đến tháng 6/2004 bắt đầu thu. Ban đầu, tổng mức đầu tư dự án là 360,568 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách khoảng trên 30% còn lại đầu tư theo hình thức BOT hoặc các nguồn vốn khác.
Về vốn ngân sách, hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam cùng đóng góp kinh phí xây dựng (Hưng Yên 50 tỷ đồng, Hà Nam 20 tỷ đồng). Việc thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT cầu Yên Lệnh lẽ ra kết thúc vào 2/9/2019 nhưng lại dự kiến kéo dài đến 9/12/2026 do đầu tư thêm đoạn tuyến mới từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng (giao giữa QL 38 và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc địa phận tỉnh Hà Nam).
|
Trạm thu phí BOT cầu Yên Lệnh tiếp tục được sử dụng thu phí hoàn vốn cho đoạn nối giữa cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng Ảnh: Đức Anh |
Ông Hải không đồng tình cách làm này vì cho rằng, việc sử dụng trạm thu phí cầu Yên Lệnh cho dự án khác (đoạn nối từ cầu Yên Lệnh đến nút giao vực Vòng - PV) là không đúng nguyên tắc đầu tư BOT. Ngoài ra, việc nhà đầu tư có phương án miễn, giảm giá chỉ cho các phương tiện khu vực thành phố Hưng Yên, khu vực lân cận là chưa phù hợp vì kinh phí xây dựng cầu Yên Lệnh là công sức, kinh phí của cả tỉnh Hưng Yên.
“Cần kiểm tra, xem xét lại việc đầu tư dự án mới, việc sử dụng kinh phí sửa chữa cầu Yên Lệnh có đưa vào nội dung đầu tư dự án mới hay không. Yêu cầu di chuyển trạm thu phí về đúng vị trí dự án. Nếu giữ nguyên vị trí thu phí thì cần xem xét đầu tư tuyến đường bộ đoạn qua TP Hưng Yên kết nối với đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, để khắc phục ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, ông Hải đề nghị trong đơn.
Cũng theo ông Hải, năm 2018, sau khi kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh giảm giá vé hoặc giảm thời gian thu phí dự án này từ 15 năm 6 tháng xuống còn 7 năm 5 tháng 14 ngày.
Chưa giải quyết được gốc vấn đề
Ông Hoàng Đình Hải, GĐ Cty TNHH BOT cầu Yên Lệnh đưa ra các tài liệu và cho biết: Dự án Đầu tư xây dựng QL38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng triển khai trên cơ sở đề xuất của tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Dự án được Bộ GTVT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện vào năm 2014 với tổng chiều dài toàn tuyến là 12,42km (8,7km đường mới và phần bao trùm lên dự án cũ và cầu Yên Lệnh), tổng mức đầu tư 833,26 tỷ đồng.
Theo ông Hải, việc đặt trạm thu phí hiện nay được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương và Bộ GTVT phê duyệt. Ông Hải cho rằng, nếu di chuyển trạm hiện tại sang địa phận tỉnh Hà Nam sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án và vẫn tiếp tục phải miễn giảm cho dân xung quanh trạm mới.
Về việc chỉ miễn giảm cho người dân thành phố Hưng Yên và vùng phụ cận trạm thu phí, không miễn giảm cho người dân toàn tỉnh, ông Hải lý giải: Phương án thu phí chỉ tính đối với phần vốn huy động BOT mà không tính phần vốn ngân sách. “Dự án chỉ miễn giảm cho nhân dân trong vòng bán kính 5km theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Từ ngày 17/2/2018, công ty này đã giảm giá chung cho các phương tiện qua lại từ 10 - 14%, khu vực lân cận là 40 - 50%” - ông Hải nói.
Đại diện Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết: BOT Yên Lệnh - Vực Vòng không phải là dự án mới mà chỉ ký thêm phụ lục hợp đồng khi có đề xuất của hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên. Ông này cho hay, do đặc thù của dự án là thu phí hở (không thu phí kín theo từng km như cao tốc - PV) nên các phương án như dời trạm thu phí, giảm phí… vẫn không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối với người lưu thông trên dự án. “Nếu di dời trạm từ cầu Yên Lệnh sang vị trí mới không những làm phát sinh chi phí mà chỉ chuyển mâu thuẫn từ chỗ này sang chỗ khác”.
Cũng theo ông này cho hay, năm 2017, tỉnh Hưng Yên có ý kiến kéo dài dự án theo hướng nâng cấp đoạn qua TP Hưng Yên, kết nối giữa đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bộ GTVT đã báo cáo nhưng Quốc hội không cho phép đầu tư thêm BOT trên đường hiện hữu.
Nhiều dự án muốn kéo dài thời gian thu phí
Như Tiền Phong phản ánh, nhiều dự án BOT thời gian qua được triển khai theo hình thức ký phụ lục, để kéo dài thời gian thu phí. Các dự án BOT tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa dự án cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) được bổ sung vào BOT Bắc Giang – Lạng Sơn… Nhiều chuyên gia lo ngại về sự minh bạch trong lập, phê duyệt dự án và thiếu sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Đức Anh/Tiền Phong