Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị nhà đầu tư tạm miễn phí sử dụng đường bộ đối với tổ chức, người dân là chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện xung quanh trạm thu phí trong thời gian xây dựng lại phương án miễn giảm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Trước đó, từ ngày 10/6 đến nay, người dân thuộc 2 xã Yên Quang và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), đã phong tỏa trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình để phản đối chính sách thu phí. Cụ thể, người dân yêu cầu được miễn phí dịch vụ cho các phương tiện của những hộ quanh trạm.
Doanh nghiệp đòi trả trạm, Bộ nói "khó", Sở nói tốn kém
Cũng liên quan đến vấn đề BOT, một doanh nghiệp khác cũng gặp khó khăn trong vấn đề thu phí là Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ 91. Doanh nghiệp này vừa có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ hỗ trợ việc thu phí hoàn vốn cho dự án BOT quốc lộ 91, cụ thể là ở trạm T2.
Trạm T2 vốn đặt ra để thu phí hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và 91B từ An Giang đi TP Cần Thơ.
Điểm vô lý là phương tiện không đi TP Cần Thơ, chỉ sử dụng vài trăm mét đường để đi Kiên Giang hoặc TP.HCM nhưng vẫn phải nộp phí cho toàn tuyến.
Về việc này, Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 đưa ra nguyên nhân do cách đây hơn một tháng, Bộ GTVT đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động thu phí tại trạm thu phí T2 do các tài xế tụ tập phản đối suốt nhiều ngày.
|
BOT T2 được doanh nghiệp đề nghị Chính phủ di dời. |
Trong văn bản ký ngày 24/6, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư dự án để nhà đầu tư trả nợ ngân hàng. Doanh thu của công ty này đã sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng, dẫn đến thành nợ xấu nếu không có phương án xử lý sớm.
"Trong trường hợp không có phương án nhận lại dự án thì nhà đầu tư đề nghị Chính phủ hỗ trợ phần chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 400 tỷ đồng) và chi phí xây dựng quốc lộ 91B (khoảng 480 tỷ đồng). Dự án chỉ thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn chi phí đầu tư xây dựng quốc lộ 91", doanh nghiệp nêu trong văn bản.
Dự án trạm T2 từ tỉnh An Giang đi TP HCM hoặc Kiên Giang đã được Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị đầu tư hơn 1.651 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 277,5 tỷ đồng. Tiền vay thêm chiếm 83% tổng giá trị đầu tư. Tính đến cuối tháng 5, dư nợ còn lại là 1.204 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm, doanh thu thu phí chỉ đủ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và bảo trì dự án. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhà đầu tư vẫn chưa được nhận, hơn nữa phải chịu thuế VAT trên giá vé sử dụng đường bộ. Chủ đầu tư đã bị âm khoảng 99 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết ông vẫn chưa nhận được văn bản Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ 91 (văn bản có đề nơi nhận gồm cả Bộ GTVT). Tuy nhiên, ông cho rằng việc giải quyết nằm trong tổng thể các dự án BOT chứ không chỉ riêng một trạm.
"Nếu trạm nào cũng đòi trả thì khó cho Nhà nước, thậm chí dẫn đến mất cơ chế BOT. Những rủi ro phát sinh thì nhà đầu tư cũng phải chịu chung chứ đâu phải cứ nói trả trạm, nói vậy thì ai cũng muốn làm BOT" - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. |
Trong khi đó, đại diện Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 cho biết hợp đồng BOT doanh nghiệp ký với Chính phủ không phải "lời ăn lỗ chịu" mà chủ đầu tư được định mức lãi 12% một năm.
Cũng liên quan về vấn đề ở trạm T2, ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho rằng sẽ tốn kém và không khả thi khi di dời BOT T2.
|
GĐ Sở GTVT An Giang cho rằng việc dời BOT T2 là không khả thi. |
"Chuyện đặt trạm T2 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã được Bộ GT-VT và Cần Thơ thống nhất và đặt trạm mấy năm nay rồi. Chúng ta có rất nhiều phương án để xử lý vấn đề ở trạm T2, không nhất thiết phải di dời.
Chi phí dời cái trạm không đã mất 70-80 tỉ đồng, chi phí cho đoạn đường quốc lộ 91 (khoảng hơn 700m từ Cái Sắn đến ngã ba Lộ Tẻ - Long Xuyên) cũng mất khoảng 20 tỉ. Khi làm việc với tỉnh An Giang, Bộ GT-VT đã tính ra khoản tiền như trên và cho biết muốn dời trạm T2, tỉnh An Giang phải bỏ ra số tiền này" - ông Trí lý giải.