Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm
Giòi sống bò trên khay thức ăn của học sinh trong bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Thực nghiệm Khoa học giáo dục (quận Ba Đình, Hà Nội). Sự việc trên được phát hiện trong bữa trưa ngày 23/11 của học sinh khối lớp 9 đang gây bức xúc và tâm lý lo lắng cho nhiều phụ huynh, học sinh ăn bán trú khi bữa ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo tìm hiểu, năm học 2020 – 2021, Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục đã ký hợp đồng với Công ty Hà Thành cung cấp suất ăn trưa nấu ngoài nhà trường, sau đó mang đến phục vụ cho học sinh. Ngày 26/11, lãnh đạo trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thực nghiệm Khoa học giáo dục cho biết, sau khi phát hiện có giòi trong suất ăn trưa của học sinh, nhà trường đã chấm dứt trước thời hạn với công ty cung cấp suất ăn và tự tổ chức bếp ăn trong trường học.
|
Trường học nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Vietnamnet
|
Dư luận cho rằng, dù nhà trường đã chấm dứt hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn, tuy nhiên không thể không phải chịu trách nhiệm. Bởi dù thuê công ty, trách nhiệm cao nhất liên quan đến sức khỏe của học sinh là trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường. Đồng thời, đặt ra câu hỏi, để tình trạng bữa ăn mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu trưởng trường Thực nghiệm Khoa học giáo dục sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, việc chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh là trách nhiệm của Ban giám hiệu Trường Thực nghiệm Khoa học giáo dục, trực tiếp là Hiệu trưởng khi để xảy ra việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đều đã có những quy định cụ thể về việc bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm trong trường học tại Điều 6, Thông tư Liên tịch số 13/2016/TTLB-BYT-BGDĐT.
Luật An toàn thực phẩm cũng quy định, việc quản lý ATTP trường học thuộc trách nghiệm của UBND các cấp. Đối với các bếp ăn của trường học nếu phát hiện không đủ vệ sinh an toàn thực phẩm mà cụ thể là phát hiện giòi sống trong thức ăn tại trường Thực nghiệm, nhà trường sẽ phải chịu trách nghiệm liên đới. Trong trường hợp này nhà trường, hiệu trưởng có thể bị xử phạt hành chính nếu có sai phạm trong công tác quản lý, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở của mình.
“Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học không còn là mới lạ với dư luận. Tuy nhiên, sau mỗi sự việc đáng buồn đó, dường như việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được ưu tiên, coi trọng.Thực trạng nêu trên khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng cho con em của mình. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, cần quy trách nghiệm đến cùng đối với những người làm công tác quan lý tắc trách”- luật sư Tùng nêu ý kiến.
Luật sư Tùng cho rằng, nhà trường phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi cũng như sức khỏe của học sinh. Việc có giòi sống trong thức ăn của học sinh đã gây ra hậu quả gì hay không? Trường hợp gây ra bệnh tật, ngộ độc thực phẩm, nhà trường và công ty cung cấp bữa ăn phải chịu trách nhiệm về chi phí khám chữa bệnh, bồi thường tổn thất về sức khỏe cho học sinh theo quy định của bộ luật dân sự. Nhà trường cần phải rà soát lại hợp đồng ký kết với công ty cung cấp suất ăn xem trách nhiệm các bên được thỏa thuận ra sao, xử lý nếu có vi phạm như thế nào? Dù là thỏa thuận như thế nào, nhà trường vẫn phải là đơn vị chịu trách nhiệm đối với học sinh của mình.
Đứng trước thực trạng về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học như hiện nay, cần tiến hành rà soát hồ sơ năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra nguồn thực phẩm, bếp ăn của học sinh.
Ngoài ra cần đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức cho nhà trường, học sinh, phụ huynh về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời có chế tài xử lý mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt cần xử lý kỷ luật nghiêm đối với ban giám hiệu và hiệu trưởng nếu để xảy ra mất an toàn thực phẩm và có dấu hiệu cắt xén khẩu phần ăn của học sinh, việc để xảy ra sai phạm không thể quy hết trách nghiệm cho một mình đơn vị cung cấp.
|
Luật sư Tùng. |
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bữa ăn có giòi sống như vậy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên việc trường học đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho các học sinh.
Để xem xét trách nhiệm một cách triệt để, cần xem xét đến hợp đồng cung cấp bữa ăn giữa nhà trường với đơn vị cung cấp bữa ăn. Đồng thời làm rõ điều kiện, tiêu chuẩn của đơn vị cung cấp bữa ăn trước khi ký hợp đồng xem có đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật hay không.
Trường hợp cho thấy hợp đồng ký kết là hợp pháp, đơn vị đủ điều kiện cung cấp thực phẩm cho nhà trường, thời gian đầu cung cấp tốt đúng theo hợp đồng thì nhà trường không có lỗi. Trường hợp đơn vị cung cấp bữa ăn không đảm bảo điều kiện chủ thể tham gia ký kết hợp đồng, việc kiểm tra giám sát thiếu chặt chẽ, buông lỏng dẫn đến những vi phạm thì sẽ xem xét đến trách nhiệm của các lãnh đạo cơ sở giáo dục này.
Hoàn toàn có thể xử phạt đơn vị cung cấp suất ăn
Theo luật sư Cường, Cơ quan chức năng tiến hành thanh tra kiểm tra để làm rõ mức độ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các bữa ăn của cơ sở giáo dục này, làm rõ nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, vận chuyển của đơn vị cung cấp thực phẩm để có những kết luận cụ thể, làm cơ sở để giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, với hành vi này, chắc chắn đơn vị cung cấp thực phẩm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị đình chỉ hoạt động, tiếp giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.
Đơn vị cung cấp suất ăn giải thích do chiếc xe chở thức ăn cho học sinh là xe chở nhiều loại hàng hóa, không được vệ sinh nên giòi đã rơi vào khay đựng thức ăn. Đây là một lý giải rất khó chấp nhận, rất đáng trách và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không thể để sử dụng một chiếc xe không đảm bảo vệ sinh để chở thức ăn cho học sinh như vậy được. Vấn đề này thuộc về đạo đức kinh doanh cũng như trách nhiệm của đơn vị cung cấp thực phẩm...
|
Luật sư Cường. |
Trường hợp kết quả kiểm tra, thanh tra cho thấy thực phẩm mà đơn vị này cung cấp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì đơn vị này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức, trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định này.
Theo điều 10, hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Hành vi này hoàn toàn không đủ điều kiện tiêu chuẩn để cung cấp bữa ăn an toàn cho học sinh nên nhà trường hoàn toàn có quyền căn cứ vào sự kiện này để đơn phương chấm dứt hợp đồng và tìm đơn vị cung cấp thực phẩm khác đảm bảo an toàn cho học sinh. Đây cũng sẽ là một bài học cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm rút kinh nghiệm, có đạo đức, trách nhiệm hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới
Hải Ninh