Đặt ở vị trí trung tâm Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là bức ảnh chụp không khí mít tinh mừng Ngày Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn. Từ bức ảnh quý giá này, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã phục dựng lại không khí tưng bừng, nô nức và hừng hực quyết tâm của hàng triệu đồng bào Nam Bộ dự mít tinh ở Quảng trường Norodom sau lưng Nhà thờ Đức Bà ngày ấy.
|
Bức ảnh về Lễ Độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Norodom – Sài Gòn |
Những hình ảnh về Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh được trưng bày cố định tại phòng chủ đề “Đấu tranh Cách mạnh giai đoạn 1930 – 1945”.
Thời gian từ đó đến nay đã hơn 70 năm trôi qua, những hiện vật, hình ảnh về Ngày lễ Độc lập lịch sử của dân tộc không còn được lưu giữ nhiều nhưng cũng đã phần nào phác họa khí thế sục sôi của những ngày lịch sử đó.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay trong thời khắc lịch sử đó, hàng chục ngàn người dân Sài Gòn – Gia Định cũng tập trung về Quảng trường Norodom (nay là công viên 30/4) để tham gia cuộc mít tinh và diễu hành lớn, trong niềm vui nước nhà độc lập.
Từ 12h trưa, dưới ánh nắng chói chang, các đoàn thể, dân quân, thanh niên, học sinh và người dân từ các vùng ngoại ô kéo về nội thành, cả đại lộ Cộng Hòa như biển người.
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào Quốc kỳ. Lúc đó, bản Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao chưa được phổ biến ở Nam bộ, nên ban quân nhạc cử bài Quốc tế ca và bản “Thanh niên hành khúc” (nhạc Lưu Hữu Phước, lời của nhóm Hoàng Mai Lưu): “Này anh em ơi, tiến lên dưới cờ giải phóng! Đồng lòng cùng đi! Đi! Đi! Xá gì thân sống!”.
|
Một góc phục dựng không khí sục sôi của quân và dân miền Nam tại Bảo tàng TP.HCM |
Sự long trọng của ngày đại lễ này được thể hiện rõ nét qua trang phục của mọi tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang.... Trong đó, Thanh niên tiền phong gọn gàng trong đồng phục quần soọc, áo sơmi ngắn tay, tay cầm tầm vông vạt nhọn, thắt lưng đeo dao găm và cuộn dây thừng, đi nhịp nhàng theo tiếng hô “một... hai... một... hai”.
Tiếp theo là đoàn viên Tổng công đoàn Nam bộ. Cùng với Thanh niên tiền phong, đây là lực lượng nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền (Cách mạng Tháng 8/1945) trong tuần trước.
Đoàn dân quân cách mạng với trang phục quần đùi áo ngắn, người mang giày, người đi chân không. Đây là những đơn vị vũ trang được thành lập một cách cấp tốc, từ nhiều thành phần khác nhau là công nhân, thanh niên, học sinh lần đầu tiên gia nhập quân đội, cựu binh sĩ thời Pháp, Nhật. Vũ khí mà dân quân cách mạng mang trên người là súng liên thanh nhẹ, súng hai nòng, trường kiếm, dao găm.
Tầng lớp nhân dân thì mặc y phục đủ thứ, vũ khí thô sơ, đại diện các địa phương, tôn giáo, tầng lớp xã hội, ngành nghề... ở Sài Gòn và nhiều tỉnh ven Sài Gòn. Mỗi đoàn tham gia Lễ đều có bảng ghi tên của nhóm Nông dân Bà Điểm, nhóm Học sinh trường X, nhóm Phật tử chùa Y... Mọi người đều trong hàng ngũ ngay ngắn.
Lễ Độc lập ở Sài Gòn được cử hành lúc 14 giờ với rợp trời cờ đỏ sao vàng và băng rôn, biểu ngữ ủng hộ cách mạng. Theo dự kiến, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ trực tiếp truyền thanh buổi lễ tại Hà Nội vào Sài Gòn để mọi người cùng nghe. Song do trục trặc, nên việc tiếp sóng không thành công.
Ông Trần Văn Giàu khi ấy là Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh lâm thời Nam bộ đã nhanh chóng lên lễ đài ứng khẩu bài diễn văn.
Sau khi tuyên bố một sự đổi thay lớn đã đến với lịch sử nước nhà sau Cách mạng tháng Tám, ông nhấn mạnh: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước Cộng hoà. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống”.
Ông lại hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không. Có ai bó tay để cho chế độ thực dân – ra mặt hay giấu mặt, trở lại không?”
Sau mỗi câu hỏi của ông, cả rừng người đồng thanh: Không! Không! Không! vang dội một góc trời. Ông kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu. Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay. Tiến tới vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi. Không một thành luỹ nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng”.
Sau bài diễn văn ứng khẩu của Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Bộ trưởng Bộ Y tế sau này), thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên thệ: “Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”. Ngay sau đó, tới lượt đại biểu của nhân dân đọc lời thề...
Cuối buổi lễ Độc lập, thực dân Pháp đã gây hấn, khi đoàn người bắt đầu tham gia lễ diễu hành quanh Nhà thờ Đức Bà và trên đường phố thì từ các cửa sổ của những toà nhà gần đó người Pháp đã bắn đoàn diễu hành.
Tất cả có 47 người dân bị chết và bị thương, phía Pháp cũng có 5 người chết và 30 người bị thương. Chỉ chưa đầy một tháng sau ngày Độc lập, nhân dân Nam bộ bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến mùa thu, khởi đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Trần Văn Sáng nhà ở đường Bàu Cát 6 (phường 11, quận Tân Bình), năm nay đã hơn 90 tuổi xúc động nhớ lại: “Khi bác Giàu lên lễ đài phát biểu mọi người vỗ tay hò reo sau đó im lặng lắng nghe.
Bác Giàu nói dài nhưng tôi vẫn nhớ mấy ý chính: Một, chúng ta từ một nước nô lệ bị trị trở thành một nước độc lập. Từ một nước quân chủ trở thành chế độ dân chủ Cộng hòa. Chúng ta đang đứng trước một thử thách rất lớn là họa xâm lăng bên ngoài đang đe dọa. Như vậy, tất cả chúng ta phải đem tất cả tinh thần và lực lượng để bảo vệ nền độc lập đó…”
Lời thề và khí thế ấy của hàng triệu người dân Nam Bộ trong ngày 2/9/1945 đã thể hiện niềm tin sắt son của họ với Đảng Cộng sản do Bác Hồ lãnh đạo. Chính vì vậy, Ngày Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn đã trở thành một dấu mốc quan trọng giúp đoàn kết nhân dân miền Nam xung quanh mặt trận Việt Minh, liên tiếp dành thắng lợi trong những cao trào đấu tranh cách mạng sau này.
Theo Bạch Dương/Infornet