Trong Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất là chủ thuê bao khi đăng ký thuê bao di động sẽ phải bổ sung ảnh chân dung chính chủ. Cá nhân tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và hai chiều sau 15 ngày tiếp theo không thực hiện. Điều này nhằm mục đích tăng cường quản lý thuê bao di động và ngăn chặn tin nhắn rác. Nhà mạng sẽ thực hiện lấy những thông tin này đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại. Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp có sở cứ là thông tin đã chính xác (ví dụ thuê bao trả sau, thuê bao chuyển từ trả sau sang trả trước, thuê bao mới đăng ký lại thông tin theo đúng quy định trong thời gian vừa qua) thì không cần chụp ảnh mà doanh nghiệp chỉ cần bổ sung ảnh chụp và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó.
Ngay khi quy định mới về điều kiện đăng ký thông tin thuê bao di động theo nghị định 49/2017/NĐ-CP bắt buộc chủ thuê bao phải chụp ảnh chính chủ được đưa ra đã vấp phải sự phản ứng của các chủ thuê bao vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu điều này có thực sự cần thiết?
|
Ảnh minh họa. Nguồn: CN. |
Anh Nguyễn Thuận An (32 tuổi, nhân viên hành chính ở Hà Nội) bày tỏ: “Việc xác định chủ sở hữu thuê bao di động hiện tại đang dựa vào các thông tin trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các giấy tờ này đã nộp bản sao để nhà mạng lưu trữ. Trên các giấy tờ này, ví dụ chứng minh nhân dân hay hộ chiếu đều đã thể hiện hình ảnh của cá nhân thì việc chụp thêm ảnh chính chủ thuê bao có cần thiết hay không?”
“Nếu nói rằng, việc chụp ảnh người trực tiếp đến giao dịch sẽ là bằng chứng xác thực nhất giúp hạn chế việc các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các sim thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết), hạn chế tình trạng sim rác, gọi điện lừa đảo thì cũng có thể hiểu. Nhưng liệu nhà mạng có quản lý, bảo mật được hình ảnh cá nhân đó không, bởi đó là bí mật đời tư”.
Khá đồng tình với ý kiến của anh Nguyễn Thuận An, chị Minh Hằng (một nhân viên nhà mạng ở Hà Nội) bày tỏ: “Việc chụp ảnh chính chủ nên xem xét, bởi có đến 100 triệu thuê bao, và có 12 tháng để thực hiện bổ sung thông tin, điều này có khả khi hay không? Ngoài ra, với những thuê bao mới có thể họ sẽ hợp tác chụp ảnh, nhưng những thuê bao cũ hơn thì việc bổ sung ảnh như thế nào?”.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tranh luận bùng nổ liên quan đến vấn đề này. Độc giả có tên trungdt cho rằng: “Khi mở tài khoản ngân hàng, làm hồ sơ đăng ký quyền sử dụng/sở hữu nhà đất hai lĩnh vực quan trọng liên quan tính bảo mật và giá trị tài sản lớn thì giấy tờ nhân thân ngân hàng, cơ quan nhà nước cũng chỉ yêu cầu chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước… thôi chứ không yêu cầu chụp ảnh bao giờ. Bây giờ đăng ký thuê bao di động ngoài các giấy tờ nhân thân còn phải chụp thêm ảnh, chẳng biết để làm gì, chứng minh cái gì?”
Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Phương Thảo – Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng: Việc bắt chủ thuê bao phải chụp ảnh là không hợp lý. Về cơ bản việc họ chọn mạng di động để sử dụng là một hợp đồng dân sự, tại thời điểm xác lập hợp đồng này, các bên đã xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của nhau. Vì thế, nếu bắt buộc sẽ có thể bị khách hàng phản ứng. Để khách hàng hiểu được quy định này và muốn nó thành hiện thực phải có giải thích cụ thể, yêu cầu bổ sung thông tin, hình ảnh là cấn thiết với đấu tranh với tội phạm, tránh tình trạng lừa đảo trên mạng”.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thành Nam (văn phòng luật sư Thái Nam – Đoàn LS Hà Nội) cho rằng: “Quy định chụp ảnh đối với đăng ký sim chưa rõ ràng về thông tin là cần thiết để tránh tình trạng sim rác. Tuy nhiên, với những sim đã đăng ký đầy đủ thông tin thì việc làm này có thể gây mất thời gian, lãng phí. Ngoài ra, nhà mạng phải có trách nhiệm, quy trình quản lý thông tin, đảm bảo thông tin bí mật của khách hàng.
“Nghị định 49 quy định, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao, trong đó có ảnh chụp. Nếu doanh nghiệp viễn thông tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân, bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng. Tùy mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Bên hành lang Quốc hội, sáng 20/6, trao đổi với Zing, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: “Mỗi chiếc SIM điện thoại khi đăng ký đều khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân. Trong khi đó Luật Viễn thông không quy định nhưng nghị định lại bắt người dân chụp ảnh, không thể có quy định trên luật được”.
Ông cho hay cần có quy định để tạo điều kiện cho người dân chấp hành. Đặc biệt, các quy định đó không nên vượt lên các khuôn khổ quy định khác của luật.
Linh Hoàng