Bị đòi nợ đến mức phải bỏ nhà
Nước mắt ngắn dài, từng lời ấm ức vụt ra từ cổ họng, con gái bà Ảnh – hiện đang là giáo viên trên địa bàn TP HCM kể lại tình cảnh của gia đình mình. Chị liên tục khóc, những nắm tay nhỏ bé của người phụ nữ ngồi đối diện căm hờn khi trải qua gần 3 tháng bị khủng bố đến mức bỏ nhà, trốn chạy.
|
Căn nhà bị nhóm đòi nợ dùng sơn đỏ viết chi chít lên tường, lên cửa. |
Bà Ảnh gốc người ở Đồng Tháp, chồng chết sớm, một mình nuôi 5 người con. Các con trưởng thành, lên TP HCM lập nghiệp. Bà bán đất, bán vườn lên Sài Gòn mua nhà ở số 54/29/31 Ấp Chiến Lược, khu phố 13, phường Bình Trị Đông để sinh sống. Một số người con ra riêng, trong nhà còn lại 7 người gồm bà Ảnh, hai vợ chồng con trai, hai vợ chồng con gái và hai cháu nội. Người vay nợ dẫn đến việc gia đình bà Ảnh bị khủng bố là con dâu tên Trần Kim Phượng sống chung nhà.
Con gái bà Ảnh kể: “Ngày 2/7, chị dâu biến mất một cách bí ẩn, tôi nghe nói đang tá túc ở huyện Bình Chánh. Chiều cùng ngày, một nhóm thanh niên, mình xăm trổ, mặt hầm hầm đến kiếm bà Phượng. Chúng tôi nói bà Phượng không có ở nhà thì ngay ít phút sau, căn nhà bị ném mắm tôm, tạt sơn. Nhóm đối tượng hơn chục người chọi đá ầm ầm vào nhà. Chúng tôi chỉ biết đóng cửa trốn”.
Nhóm đối tượng bỏ đi, tình hình im ắng, bà Ảnh gọi điện trình báo Công an phường Bình Trị Đông. Theo lời con gái bà Ảnh, công an có đến lập biên bản và cho rằng vụ việc chưa tổn hại đến ai nên không xử lý được. Ngay trong đêm, thấy tình hình nghiêm trọng, cả gia đình bà Ảnh bỏ nhà đến ở nhờ nhà một người quen. “Lúc đi, chúng tôi sợ đến mức không mang theo một bộ quần áo nào. Sáng hôm sau, tôi về nhà nhưng lo sợ bọn đòi nợ còn ở đó nên có nhờ một cảnh sát khu vực đến trợ giúp. Nhờ đó, tôi mới lấy được ít quần áo cho gia đình. Còn những vật dụng khác phải bỏ lại”, con gái bà Ảnh kể tiếp.
Từ ngày 2/7 đến ngày 10/8, gia đình bà Ảnh phải trốn ở nhà người quen, không dám về nhà. Cùng thời gian, căn nhà vốn bình yên trong con hẻm liên tục bị tạt sơn, mắm tôm. Mỗi lần nghe hàng xóm gọi điện báo nhà bị “khủng bố”, con gái bà Ảnh lại phải bịt mặt về dọn dẹp. “Mỗi lần muốn về nhà, phải gọi điện trước cho cảnh sát khu vực. Họ cho người đến canh gác, chúng tôi mới dám vào nhà”, con gái bà Ảnh kể.
Đe dọa “xử” con trai người vay nợ
Sau ngày 10/8, thấy tình hình lắng xuống, gia đình bà Ảnh quay về. Ngày trước quay về, ngày hôm sau đã có người đến hỏi thăm. Con gái bà Ảnh nói: “Lúc mẹ tôi ở nhà một mình, đang nấu cơm, có một thanh niên đến hỏi “bà Phượng đâu rồi”. Mẹ tôi bảo “nó trốn đi đâu không thấy về nhà. Nó nợ mấy đứa chứ không phải bà”. Người thanh niên nói lại: “Nhắn bà Phượng, chúng tôi cho mượn được thì sẽ lấy lại được”, rồi bỏ đi. Sau khi người thanh niên này đi, căn nhà bị khóa trái, mẹ tôi bị nhốt bên trong. Chúng tôi về nhà nhưng không dám tự tiện mở khóa vì sợ bọn đòi nợ. Chúng tôi nhờ Công an phường Bình Trị Đông xuống lập biên bản rồi chứng kiến cảnh phá khóa”.
Những ngày tiếp theo, nhóm đối tượng này không dùng “chiêu” tạt sơn, mắm tôm mà dùng chiêu khóa trái cửa, phá ổ khóa. Nếu gia đình bà Ảnh có ai ở bên trong thì chúng khóa trái bên ngoài. Còn nếu gia đình bà Ảnh khóa cửa đi vắng thì chúng lại đổ keo dán sắt vào ổ khóa. Từ ngày bị khủng bố bằng chiêu này, nhà bà Ảnh phải thay hàng chục ổ khóa mới.
Theo lời con gái bà Ảnh, từ ngày 2/7 đến nay, Phượng không hề gọi điện cho gia đình. Trong một vài lần công an lập biên bản, gia đình có gọi cho Phượng và Phượng liệt kê vay tiền của khoảng 52 người, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, cao nhất là 70 triệu đồng. Số tiền tổng cộng Phương vay mượn là 730 triệu đồng.
Con gái bà Ảnh nói Phượng vay mượn tiền và sử dụng vào mục đích cá nhân. Cả chồng con Phượng đều không hay biết. Gia đình bà Ảnh nghi vấn việc mượn tiền của Phương là dùng vào việc chơi số đề, cá độ đá bóng.
Chưa dừng lại ở đó, nhóm đối tượng đòi nợ tiếp tục sử dụng “chiêu” khác bằng cách đe dọa hai con trai của Phượng. Có lần, 2 con Phượng bị nhóm đối tượng sử dụng hung khí đòi “xử”. Quá lo sợ, gia đình bà Ảnh tiếp tục bỏ nhà đi ở trọ.
Lo sợ bị nhóm đối tượng hành hung, hai con trai Phượng phải xin chuyển trường về miền Tây. Bà Ảnh và chồng Phượng phải đi theo để chăm lo, đưa đón. Còn vợ chồng cô con gái thì thuê nhà ở nơi khác.
“Chiêu” chiếm đoạt căn nhà
Mỗi lần muốn ghé về thăm nhà, con gái bà Ảnh phải trùm kín và chỉ chạy ngang qua, liếc nhìn rồi đi thẳng về nhà trọ. Chị sợ dừng lại sẽ có người theo dõi về tận trường chị đang dạy hoặc nhà trọ thì chúng sẽ tiếp tục khủng bố.
PV có mặt tại căn nhà của bà Ảnh. Cửa khóa ngoài, ổ khóa còn mới tinh. Cửa và tường bị viết chi chít bằng sơn đỏ những dòng chữ “không bán”, “nhà đang tranh chấp không bán”, “nguy hiểm”. Mặc dù căn nhà đang là sở hữu hợp pháp của bà Ảnh và bà không vay mượn, không tranh chấp với ai.
Theo lời con gái bà Ảnh, có người hướng dẫn “bán nhà bỏ trốn hoặc đứng ra trả nợ thay Phượng thì mới yên thân”. Một vài lần, bà Ảnh có ý định bán nhà, bán rẻ cũng phải bán để được “an tuổi già”. Nhưng người con gái không chấp nhận. Chị nói gia đình không cần phải gánh nợ thay cho Phượng, không cần phải trốn chạy vì không vay mượn tiền của ai cả.
Mới đây, có người nhờ hàng xóm nói với bà Ảnh có người muốn mua căn nhà nhưng với giá thấp hơn giá thị trường. Con gái bà Ảnh nói: “Người này nói dân bình thường không ai dám mua căn nhà của chúng tôi vì sợ bọn đòi nợ. Chỉ có những người có quyền mới mua được. Mẹ tôi muốn bán nhưng tôi thì không. Vì nhà đó là của mẹ tôi, không cần phải trốn tránh”.
“Tôi biết những chủ nợ của Phượng dư sức tìm ra chỗ ở hiện nay của Phượng nhưng họ không cần tìm. Vì Phượng như kẻ “không có tóc”, có tìm được cũng không có tiền trả nợ. “Người có tóc” là mẹ tôi vì bà có căn nhà. Đây không phải lần đầu, Phượng vay nợ. Gia đình đã nhiều lần trả nợ thay Phượng. Lần gần nhất là trước Tết, Phượng quỳ xin mẹ tôi cầm nhà vào ngân hàng để trả nợ vì sợ “giang hồ” xử. Không nỡ bỏ chị dâu, tôi và em gái phải bỏ ra số tiền 300 triệu để trả nợ thay. Có lẽ vì sự dung túng của gia đình mà Phượng tiếp tục con đường cũ. Còn nhóm đối tượng thì cố ép mẹ tôi hoặc chúng tôi phải đứng ra trả nợ thay”, con gái bà Ảnh nói.
Bà Ảnh mong muốn chính quyền địa phương phải có biện pháp để gia đình bà được trở lại căn nhà sinh sống bình thường. Bà Ảnh cho biết người nào vay mượn thì người đó phải tự trả hoặc đưa nhau ra tòa, bà không có trách nhiệm trả thay. Trao đổi với PV, Công an phường Bình Trị Đông cho biết vụ việc của gia đình bà Ảnh đã được phường chuyển lên công an quận để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Theo Bùi Yên/Báo Pháp Luật