1. Câu chuyện nhiều cán bộ xã là anh em ruột tại xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Dân Việt đưa tin, tại xã Nậm Xé đang có một chuyện lạ đời là ông Vàng A Tớ - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nậm Xé có em trai ruột là ông Vàng A Ly giữ chức Trưởng Công an xã; em gái ruột là bà Vàng Thị Phái làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã. Bên cạnh đó, ông Tớ còn có 2 chị ruột đang công tác tại Trạm y tế xã là bà Vàng Thị Khái và bà Vàng Thị Trái.
|
UBND xã Nậm Xé. Ảnh: Dân Việt. |
Đáng chú ý, trường hợp bà Lý Thị Nam - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Xé cũng có họ hàng đều làm trong xã. Cụ thể, ba anh trai ruột bà Nam là ông Lý A Trái hiện làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã; ông Lý A Việt làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã và ông Lý A Tim làm Công chức tư pháp – hộ tịch xã.
Theo ông Vàng A Tớ - Chủ tịch UBND xã Nậm Xé việc nhiều anh ruột cùng làm cán bộ xã là do thiếu cán bộ có chuyên môn đào tạo cao. Do vậy, “Gia đình cho các em ăn học từ nhỏ, sau đó đi học chuyên môn. Học xong về địa phương chấp hành tốt chủ trương, người ta nhìn ra nên tuyển dụng theo quy định”.
Tuy nhiên trường hợp cả nhà làm cán bộ xã ở trên không có gì là lạ bởi thực tế đầy “cả nhà làm quan” ở Việt Nam.
2. Cả họ làm quan và kinh nghiệm vượt qua dư luận của ông Triệu Tài Vinh.
Mới đây, tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - những vấn đề về lý luận và thực tiễn” sáng 25/9, ông Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhắc đến việc mạng xã hội nói về gia đình ông làm quan và vụ gian lận thi cử, rồi nhấn mạnh: "Việc đó không sao, phải đối mặt và vượt qua".
|
Ông Triệu Tài Vinh. |
Trước đó, vào năm 2016, dư luận,báo chí rộ lên thông tin lãnh đạo một số sở, ban ngành và địa phương tại tỉnh Hà Giang có quan hệ gia đình, thậm chị quan hệ ruột thịt với Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh. Khi đó, ông Triệu Tài Vinh thừa nhận một số người được nêu đúng là có quan hệ họ hàng với ông và nói rằng, ông không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo" và khẳng định, quy trình bổ nhiệm đều tuân thủ quy định của Đảng, Nhà nước.
“Với tất cả những người thân, họ hàng dù không muốn nhưng "tình cảm thua nguyên tắc" nên khi họ được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo như vậy, ông luôn nhắc nhở, quán triệt "phải làm việc hết sức nghiêm túc, không được làm việc sai trái, mang tiếng xấu cho gia đình và cho tôi", ông Vinh khi đó cho biết. Đáng chú ý, khi nói về các cán bộ là em trai, em gái và em họ của mình, ông Triệu Tài Vinh khi đó cho biết “người ta trình nhân sự là em tôi, tôi phải chịu”.
3. Con rể, cháu ruột, cháu bên vợ, em vợ… của Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch đều làm cán bộ huyện. Câu chuyện này gây xôn xao dư luận tỉnh Quảng Bình vào đầu năm 2018.
Theo đó, thời điểm đó, ông Đậu Minh Ngọc – Bí thư huyện ủy Quảng Trạch có 3 người nhà, liên quan người nhà đảm nhiệm 3 vị trí Phó phòng GD-ĐT huyện Quảng Trạch. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Bình lấy con chú ruột vợ ông Ngọc; ông Trần Hiếu Nghĩa có vợ là bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Phù Hóa (gọi ông Ngọc bằng cậu); ông Dương Ngọc Tú, cũng là bà con bên vợ ông Ngọc.
|
Ông Đậu Minh Ngọc, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch bị UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình kết luận có nhiều sai phạm trong công tác cán bộ liên quan đến người nhà, làng xóm. Ảnh: Tiền Phong. |
Đáng chú ý, con rể ông Ngọc là Phạm Thanh Hải được điều chuyển từ một doanh nghiệp về làm công chức tại UB Kiểm tra huyện ủy; bà Dương Thị Nhung (em vợ ông Ngọc) từ kế toán trường chuyển về làm chuyên viên Phòng Tài chính huyện, chồng bà Nhung là ông Phạm Trọng Hòa là cán bộ tại Ban quản lý ODA huyện Quảng Trạch.
Ngoài ra, ông Dương Thanh Hải (con chú ruột vợ ông Ngọc) được bổ nhiệm làm Giám đốc BQL các công trình công cộng huyện; bà Võ Thị Phương Như (cháu gọi ông Ngọc bằng cậu ruột) được chuyển từ doanh nghiệp về làm kế toán huyện. Bà Như có chồng là ông Phạm Minh Hùng đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa, ông Hùng nằm trong diện luân chuyển cán bộ khi chưa là Huyện ủy viên.
Trả lời báo chí khi đó, ông Đậu Minh Ngọc cho biết, ông là con trai độc nhất trong gia đình nên không có anh chị em ruột, còn những người nói trên chỉ là anh em “sơ sơ”.
4. Bí thư huyện ủy An Dương cùng hàng loạt cán bộ bị kỷ luật do… “cả nhà làm quan”.
Chiều 20/1/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng đã công bố Quyết định kỷ luật của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đối với ông Nguyễn Văn Hoàn - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy An Dương. Thành ủy Hải Phòng khi đó cho biết, trong công tác bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hoàn có một số vi phạm, thực hiện không đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Thành ủy Hải Phòng quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Hoàn.
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng cũng ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Hoàng Bích – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy và ông Lưu Văn Tụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy An Dương do có khuyết điểm trong công tác tham mưu làm quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ trong vụ cả nhà làm quan.
Ông Nguyễn Văn Hoàn bị kỷ luật do thực hiện không đúng quy định của Đảng và Nhà nước trong công tác bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, để xảy ra việc cả nhà làm quan của gia đình ông Nguyễn Trường Sơn – Phó chủ tịch UBND huyện An Dương.
Sáu người làm “quan” trong gia đình ông Sơn gồm: ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Dương (phụ trách mảng kinh tế, đất đai); ông Nguyễn Thế Son – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy An Dương (anh trai ông Sơn); ông Nguyễn Thế Hùng - Phó ban Tổ chức Huyện ủy An Dương (em trai ông Sơn); bà Nguyễn Thị Hương - Phó phòng Lao động, Thương binh và xã hội (em gái ông Sơn); ông Nguyễn Thế Đức - Phó Bí thư Huyện đoàn An Dương (con trai ông Son) và bà Phạm Thị Như - chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch (con dâu ông Son).
5. 9 tỉnh, 58 cán bộ thuộc dạng “cả nhà làm quan”. Con số này được ông Nguyễn Tiến Thành (khi đó là Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, hiện đã nghỉ hưu) cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/2/2017. Đây cũng là con số thống kê từ năm 2017 trở về trước, thời điểm mà vấn đề “cả họ làm quan” gây nóng dư luận khi được phát hiện tại nhiều địa phương.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Tiến Thành khi đó cho biết qua thông tin báo chí, số người thuộc diện “cả họ làm quan” là khoảng 60 người. Từ thông tin đó, Bộ Nội vụ đã khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp được chín địa phương, đơn vị. Cụ thể: Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An; huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính; Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng.
Video: Ông Triệu Tài Vinh: Phải đối mặt với tin "Cả nhà làm quan"
Qua xác minh cho thấy, số người nhà của một số lãnh đạo tại chín địa phương là 58 người. Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người; số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người... Những trường hợp này đều thiếu một số tiêu chuẩn theo luật định tại thời điểm được bổ nhiệm. Có một trường hợp vượt chỉ tiêu được giao.
Thời gian trở lại đây, vấn đề “cả nhà làm quan” không còn gây nóng dư luận như thời điểm năm 2017 và đầu năm 2018 điều đó cho thấy công tác cán bộ đã được thực hiện nghiêm theo các quy định và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các Bộ ban ngành, các địa phương.
Tuy nhiên, tình trạng trên chưa hẳn đã chấm dứt. Mới đây tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp cho ý kiến báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2019 được tổ chức ngày 4/9/2019, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đã lưu ý chuyện tuyển dụng và bố trí cán bộ công chức, không đủ tiêu chuẩn mà vẫn đưa vào.
"Thậm chí còn non, chưa đạt yêu cầu nhưng người ta vẫn ấn những con người đó vào để làm, cuối cùng những con người đó bị thui chột. Có những người chưa làm cái gì sai phạm phải xử lý nhưng cũng có những người hư hỏng", Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói và nhấn mạnh đây là việc phải đánh giá cho đầy đủ.
Đáng chú ý, Đại biểu Sơn cũng nêu thực tế diễn ra tại các DNNN, con em của người lao động khó lòng vào những chỗ đó. "Ở đâu đó tồn tại những chi nhánh, đơn vị, tổ chức ở địa phương, ngồi hết một nửa bếp ăn là con em gia đình một vài vị lãnh đạo đơn vị", Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho biết.
Do vậy câu chuyện nhiều cán bộ xã tại xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đều là anh em ruột trong cùng một gia đình dù không còn lạ lẫm gì do trước đây đã từng xảy ra nhiều vụ “cả nhà làm quan” tuy nhiên cũng là vấn đề để các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở tất cả các cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh hiện tượng "cả nhà làm quan".
Tâm Đức