Các địa phương tích cực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS

Google News

Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11-12/11) và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động và mít tinh phòng, chống HIV/AIDS.

TPHCM tổ chức các hội nghị hỗ trợ người nhiễm HIV
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS, ngày 3/12, UBND TPHCM tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (ngày 1/12) với chủ đề là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chia sẻ, trong hơn 30 năm qua, tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam được phát hiện tại TPHCM (tháng 12/1990), với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, TP đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS về mặt chuyên môn y tế và về mặt xã hội. Nhờ đó, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn TP từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm.
Cac dia phuong tich cuc huong ung Thang hanh dong quoc gia va Ngay The gioi phong, chong AIDS
 Đoàn xe loa tham gia diễu hành ngay sau buổi lễ.
Tuy nhiên, theo ông Đức, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp. HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm. Đồng thời trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế đang bị cắt giảm thì việc giữ vững thành quả phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được, cũng như hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 (95% số người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình; 95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV; 95% số người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2025 hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức đối với TP.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TP luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM khuyến khích các giải pháp đột phá, sáng kiến cải tiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS để triển khai hiệu quả nhiều hoạt động trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế đang bị cắt giảm.
Trong Tháng hành động, TP HCM tổ chức sinh hoạt truyền thông cho học sinh, sinh viên trên địa bàn; tổ chức hội nghị hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế tại thành phố năm 2024; Hội nghị tổng kết hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) tại TP HCM, giai đoạn 2022-2023.
Đối với các sở, ngành, quận, huyện và thành phố sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị và tùy từng đối tượng cụ thể sẽ lựa chọn các nội dung, hình thức truyền thông khác nhau. Phối hợp đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư"…
Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS; bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan virus, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.
Nhiều địa phương hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS
Tại Hải Phòng, Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực phòng chống HIV/AIDS mới đây đã phối hợp UBND thành phố Hải Phòng tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, HIV không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Năm nay đánh dấu mốc tròn 40 năm Thế giới tìm ra vi rút HIV. Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm HIV. Việt Nam đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch nhưng những năm gần đây xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi, dịch tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 80%.
Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi mọi người cùng nhau cam kết, chung tay hành động ngay và luôn, mỗi hành động dù nhỏ nhất cũng có thể góp phần kết thúc dịch bệnh AIDS và năm 2030.
Cac dia phuong tich cuc huong ung Thang hanh dong quoc gia va Ngay The gioi phong, chong AIDS-Hinh-2
Các đại biểu tham dự chương trình 
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, Thành phố luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua việc đầu tư ngân sách ngày càng nhiều hơn cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS ngày 1/12/2023”, Phó Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi toàn thể cộng đồng xã hội cùng hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Yêu cầu ngành Y tế tăng cường hơn nữa sự tham gia của cả hệ thống y tế, bao gồm hệ thống y tế công và tư, từ tuyến thành phố, quận, huyện, đến phường, xã, thị trấn trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng được ý thức phòng, chống HIV/AIDS của cả cộng đồng; khuyến khích các đột phá, sáng kiến, cải tiến mới trong việc tiếp cận đối tượng nguy cơ cao, đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV...
Tại Nghệ An, Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Đô Lương tổ chức Lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng "Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS" năm 2023 cấp tỉnh.
Nghệ An đang là tỉnh có số người nhiễm HIV cao thứ 6 của cả nước và là một trong các tỉnh trọng điểm về ma túy. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng các trường hợp nhiễm mới còn rất lớn.
Tại buổi lễ, Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An đã phát lời kêu gọi và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội... quan tâm chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu rộng về mục tiêu, quan điểm, các giải pháp để nhằm kết thúc AIDS trước năm 2030 tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả.
Cac dia phuong tich cuc huong ung Thang hanh dong quoc gia va Ngay The gioi phong, chong AIDS-Hinh-3
Lễ mít tinh tại tỉnh Nghệ An. 
Các sở, ban, ngành và các địa phương phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cơ quan, đơn vị với các hình thức phong phú góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp, các ngành.
Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; tăng cường chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV; tăng cường chất lượng điều trị bằng thuốc Methadone; đẩy mạnh giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tại Ninh Bình, Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đợt truyền thông lưu động tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh.
việc tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động được tổ chức tập trung tại tuyến tỉnh, các trung tâm huyện, thành phố. Các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia.
Ngoài lễ mít tinh, các địa phương có thể tổ chức các sự kiện phối hợp như: diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện tặng quà cho người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Tại Bắc Giang, trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến về các nội dung như tình hình dịch HIV/AIDS ở địa phương, đơn vị: Dịch tập trung trong các nhóm quần thể nguy cơ cao, cảnh báo nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đặc biệt nhóm MSM tuổi vị thành niên; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS.
Các đơn vị tư vấn và xét nghiệm HIV; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP); giúp cho người bệnh thấy rõ lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị.
Ban chỉ đạo tỉnh khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương đa dạng hóa các hình thức tổ chức truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Đó là việc tổ chức lễ mít tinh, tổ chức các hoạt động truyền thông vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12.
Cùng với đó, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác cũng được Ban chỉ đạo tỉnh triển khai thực hiện như: Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS dễ dàng sử dụng.
Truyền thông vận động chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ) tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi.
Tại Nam Định, nằm trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, từ ngày 20/11 đến ngày 08/12/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định tổ chức truyền thông lưu động tại 10 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh.
Xe truyền thông lưu động đi qua các tuyến đường chính của các xã, thị trấn thuộc 9 huyện và các tuyến phố chính của thành phố Nam Định huy động cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo đúng chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023: "Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".
Đợt truyền thông còn truyền tải các kiến thức về HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là nhóm người có hành vi nguy cơ cao về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đồng thời quảng bá rộng rãi các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV để những người có nguy cơ cao, người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận dịch vụ.
Việc triển khai Truyền thông lưu động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và để đông đảo người dân biết đến các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, bên cạnh đó huy động cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích từ ca bệnh đầu tiên đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có trên 5.900 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có trên 3.900 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.793 người đã tử vong. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, phát hiện 30 người nhiễm HIV.
Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, thời gian qua, tỉnh Nam Định luôn nỗ lực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS trước năm 2030.
>>> Mời độc giả xem thêm video Các nhóm hỗ trợ cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS
  
PV