Hiện tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 kịp thời cho người dân theo thứ tự ưu tiên, từng bước hướng đến mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tại Cần Thơ
Tính chung đến ngày 9/8, Cần Thơ đã tiêm được gần 207.000 liều vaccine. Trong đó, TP đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5 với số lượng được Bộ Y tế phân bổ là hơn 170.000 liều từ ngày 6-8 đến nay. Hiện TP chỉ còn khoảng 10.000 liều và sẽ tiêm dứt điểm chậm nhất là ngày 11-8.
Tốc độ tiêm của Cần Thơ nhanh và nhu cầu đang rất lớn nên địa phương đã đề xuất Bộ Y tế phân bổ tiếp 300.000 liều.
Cần Thơ đã đề xuất Bộ Y tế phân bổ tiếp 300.000 liều vaccine COVID-19. Ảnh minh họa: CHÂU ANH
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết khó khăn nhất của TP hiện nay là thiếu vaccine để tiêm. "Chúng tôi đã báo cáo với Bộ Y tế là TP chỉ còn hơn 10.000 liều, so với năng lực tiêm hơn 20.000 liều/ngày thì hôm nay, trễ nhất là sáng mai (11-8) là chúng tôi không còn vaccine nữa.
Tôi đã báo cáo xin Bộ Y tế cấp thêm vaccine theo kế hoạch được Bộ phân bổ lần thứ hai, cấp thêm trong tháng 8. Bộ Y tế đã ghi nhận và đề nghị là địa phương nào chưa tiêm được hoặc dư, hoặc không nhận thì đề nghị cấp về cho Cần Thơ để Cần Thơ sớm triển khai" - ông Hiển cho biết.
Tại Vĩnh Long
Đến sáng 10/8, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai tiêm cho 47.310 người, cộng dồn đã có 192.561 người được tiêm ngừa COVID-19.
Trong đó, số người đã tiêm mũi 1 là 167.537, tiêm mũi 2 là 25.204 người. Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết từ 27-7 đến 8-8, tỉnh đã tiếp nhận trên 155.200 liều vaccine COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ. Tính đến chiều 9-8, tỉnh đã tổ chức tiêm hết số vaccine mà Bộ Y tế phân bổ, hoàn thành kế hoạch theo đúng chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ người gặp phản ứng sau tiêm chủ yếu là phản ứng thông thường.
Vĩnh Long đang chờ phân bổ tiếp các đợt vaccine phòng COVID-19 để hướng đến mục tiêu của Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 năm 2021 của tỉnh là tiêm phòng cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Tại Hậu Giang
Trước thông tin cho rằng Hậu Giang là một trong những địa phương có tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 chậm so các nơi khác, ngày 10-8, trao đổi qua điện thoại, một lãnh đạo của tỉnh cho biết Hậu Giang vẫn đang triển khai theo đúng kế hoạch, không chậm so tiến độ đặt ra.
BS Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Y tế tỉnh Hậu Giang, cho hay tỉnh đã nhận được 87.020 liều vaccine, triển khai tiêm cho hơn 48.000 người, đạt trên 55%. Riêng ngày 9/8, tỉnh đã tiêm được khoảng 7.350 liều.
|
Hậu Giang đã tiếp nhận một xe chuyên dụng tiêm vaccine lưu động phục vụ công tác tiêm chủng, đặc biệt là thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà địa phương đang triển khai. Ảnh: CHÂU ANH |
“Để tiêm vaccine cho doanh nghiệp chúng tôi phải đưa lực lượng xuống tận nơi để tiêm. Đối với việc tiêm vaccine ngoài dân, còn nhiều người không đi theo giờ mời tiêm nên có một số điểm tập trung quá đông. Hiện chúng tôi còn thiếu tủ bảo quản, phương tiện vận chuyển vaccine, nguồn nhân lực còn hạn chế…” – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang thông tin thêm.
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đã tiếp nhận một xe chuyên dụng tiêm vaccine lưu động do Bộ Y tế cấp và đã bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phục vụ công tác tiêm chủng lưu động, đặc biệt là thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà địa phương đang triển khai.
Tại Trà Vinh
Chiều 10/8, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch.
Nói về việc tỉnh bị Bộ Y tế nhắc nhở về tiến độ tiêm vaccine, ông Hẳn cho rằng tiêm chậm là do tỉnh có hạn chế trong khâu nhập liệu.
“Khi có vaccine tỉnh chủ động lập kế hoạch lên phương án nhanh chóng tiêm cho người dân. Trên địa bàn có tổng cộng 136 tổ tiêm, công tác tiêm đảm bảo, tuy nhiên do có hạn chế trong công nghệ thông tin nên khâu nhập liệu sau tiêm lên hệ thống quốc gia chậm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường, huy động mọi lực tham gia, hiện người dân Trà Vinh cũng đang rất mong mỏi được tiêm vaccine” – Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh giải thích.
Ông Hẳn cho biết từ ngày 9-8 tỉnh bắt đầu triển khai tiêm tổng số hơn 32.000 liều vaccine gồm 27.000 liều Astrazeneca và 5.000 liều Pfizer được phân bổ. Đến nay đã tiêm được khoảng 50% số liều, số còn lại sẽ tiêm dứt điểm vào 13-8 (thời hạn của Bộ Y tế là 15-8).
“Sắp tới Bộ Y tế sẽ phân bổ cho tỉnh thêm 27.000 liều Astrazeneca và hơn 33.000 liều Moderna. Hiện tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch khi vaccine về đến là tổ chức tiêm cho người dân liền, không để thuốc tồn kho” – ông Hẳn nói thêm.
Cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo các UBND tỉnh, các sở ngành lập kế hoạch chi tiết, cụ thể việc tiêm vaccine COVID-19 đảm bảo tiêm nhanh, an toàn, tuyệt đối không để Bộ Y tế phải nhắc nhở hoặc điều chỉnh số lượng vaccine cung cấp cho tỉnh.
|
Hiện tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đang quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: CHÂU ANH |
Tại Tiền Giang
Tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận 247.910 liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm 108.240 liều. Dự kiến đến cuối năm 2021, Tiền Giang sẽ được Bộ Y tế phân bổ hơn 2,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại. Qua đó, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức chiến dịch tiêm từ 20.000 đến 30.000 liều mỗi ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật) mới đáp ứng kịp thời gian cho số vaccine được phân bổ (khoảng 4-5 tháng).
Nhằm thực hiện công tác chống dịch có hiệu quả, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định ưu tiên 80% lượng vaccine tiếp nhận từ Bộ Y tế để triển khai tiêm ngừa COVID-19 trên diện rộng, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng cho người dân TP Mỹ Tho vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-2021. Sau TP Mỹ Tho, nguồn vaccine sẽ tiếp tục ưu tiên tiêm trước cho dân vùng dịch bệnh đang phức tạp.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu chiến dịch tiêm vaccine, hiện Sở Y tế Tiền Giang huy động lực lượng để thành lập tối thiểu 150 đến 200 đội tiêm chủng nhằm đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đã tổ chức tập huấn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 240 tình nguyện viên của TP Mỹ Tho. Cạnh đó, có 240 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ hưu và làm việc trong các cơ sở y tế tư nhân đã đăng ký tham gia lực lượng tình nguyện viên của chiến dịch tiêm chủng COVID- 19 tại TP Mỹ Tho.
Bác sĩ Trần Thanh Thảo – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện địa phương đang huy động lực lượng y tế cho nhiều hoạt động cấp bách trong công tác phòng chống dịch như: truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, trực bệnh viện dã chiến, trực các khu cách ly, trực chốt kiểm soát, tiêm vaccine… vì vậy cán bộ y tế hiện nay đang rất thiếu.
Theo Nhóm PV Miền Tây/PLO