Thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 tại TP HCM cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà ở TP HCM.
Theo Thứ trưởng Sơn, đối tượng thí điểm cách ly tại nhà là F0 không triệu chứng, bao gồm nhân viên y tế nhiễm COVID-19 - những người này có kiến thức tương đối về theo dõi sức khỏe; các bệnh nhân sau thời gian cách ly và không còn khả năng lây nhiễm và những người trẻ, khỏe, có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
|
Ảnh: HCDC |
Ông Sơn cho biết, việc cách ly F0 tại nhà được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng từng khuyến cáo, nếu 10 ngày cách ly tại cơ sở y tế, F0 không có triệu chứng có thể cho về nhà.
Việc cách ly F0 tại nhà nhận được sự quan tâm của người dân TP HCM khi địa phương này hiện đã ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm và gần đây tăng cao với trung bình hơn 1.000 ca mắc mỗi ngày.
Đáng chú ý, Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện có khoảng 80% số ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Theo quy định của Bộ Y tế, các ca F0 không triệu chứng cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày và lấy ít nhất hai mẫu bệnh phẩm cách nhau 48-72 giờ, xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR. Sau khi ra viện, người bệnh được tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày.
Song với số lượng ca nhiễm ngày càng tăng cao, nếu tất cả F0 đều được đưa vào bệnh viện điều trị có thể sẽ dẫn đến quá tải và gây áp lực lên hệ thống bệnh viện, thậm chí nếu con số F0 tiếp tục tăng sẽ dẫn đến thiếu nhân lực chăm sóc cho những bệnh nhân bệnh nặng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho rằng, với 80% ca mắc không triệu chứng, đưa tất cả vào bệnh viện điều trị gây áp lực lên hệ thống bệnh viện.
"Chưa kể người cách ly cũng không thoải mái như ở nhà, làm bệnh lý nặng lên. Đó là lý do chúng ta phải tính toán lại. Nếu cách ly tại bệnh viện, phải chuẩn bị nhân sự chăm lo cho họ bởi việc này không chỉ vài ngày, mà là nửa tháng hoặc dài hơn nữa” – bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, hiện nay, phác đồ điều trị của Bộ Y tế đối với các trường hợp F0 không triệu chứng là theo dõi sức khỏe, uống đủ nước, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, sinh hoạt nghỉ ngơi, thoải mái tinh thần. “Những trường hợp F0 có thể tự theo dõi sức khỏe, tự hết bệnh hiện nay lên tới 60-70% và con số đó không phải không tính được” – bác sĩ Khanh nói.
Làm sao để tránh lây lan cộng đồng?
Nhiều ý kiến quan tâm, cách ly F0 không triệu chứng tại nhà làm sao để tránh lây lan ra cộng đồng?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) băn khoăn, F0 là những người đã dương tính với virus SARS-CoV-2, khả năng lây lan là rất lớn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, nhiều quốc gia do số lượng ca nhiễm lớn nên chỉ điều trị tại viện những ca có triệu chứng nhưng Việt Nam hiện vẫn đang kiểm soát được. Nếu không quản lý tốt các ca lâm sàng có triệu chứng được phát hiện sớm ở giai đoạn mới nhiễm sẽ dẫn đến bùng phát dịch rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, nhóm F0 được cách ly tại nhà phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng cách ly F1 tại nhà đã được thí điểm triển khai.
“Điều kiện để có thể cách ly các F0 tại nhà là nhà ở của họ phải rộng, có phòng riêng, nơi ở thoáng mát. Đặc biệt, hệ thống y tế phải tăng cường trong công tác liên hệ, theo dõi sức khỏe của các bệnh nhân. Ngoài ra, các nhân viên y tế phải sẵn sàng các tình huống khi F0 có triệu chứng trở nặng thì phải đưa đến trung tâm Y tế gần nhất” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, không phải F0 không triệu chứng nào cũng được cách ly ở nhà, mà phải có sàng lọc kỹ. Bên cạnh đó, điều kiện cụ thể phương án cách ly tại nhà F0 không triệu chứng, cách quản lý cũng tương tự như F1 và phải chặt chẽ hơn để tránh lây lan.
“Cần phải chuẩn bị một đường dây tư vấn cho họ, để giải đáp thắc mắc khi có dấu hiệu bệnh nặng và phối hợp để đưa người bệnh đi nhập viện điều trị khi cần thiết. Đồng thời, cần xem xét áp dụng các phương án theo dõi người cách ly qua các ứng dụng công nghệ” - bác sĩ Khanh đề xuất.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 tại TP.HCM chiều 13/7, nói về kế hoạch cách ly, điều trị F0 tại nhà, Phó Giám đốc Sở Y tếTP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, việc cách ly F0 tại nhà là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp mới đây.
"Chúng tôi cũng sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi nào có hướng dẫn, TPHCM sẽ thực hiện. Còn điều kiện cách ly tại nhà cũng như vấn đề liên quan thì TP.HCM sẽ triển khai”- ông Nguyễn Hữu Hưng nói.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ngay cả khi Bộ Y tế chưa có yêu cầu, thành phố cũng đã chuẩn bị cân nhắc để có thể cách ly F0 tại nhà.
“Tinh thần đây là việc mới, nên lãnh đạo ngành y tế yêu cầu các quận, huyện trước hết cần đảm bảo an toàn cho người trong nhà, cho cộng đồng, và khi thấy có những vấn đề cần thay đổi thì báo cáo ngay. Thời gian tới, khi kỹ thuật công nghệ giám sát đã hoàn thiện thì sẽ triển khai rộng rãi”- bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 10 khu cách ly với tổng công suất 15.080 giường, đang cách ly 7.977 giường tại các bệnh viện dã chiến. TPHCM đang thiết lập thêm 5 bệnh viện dã chiến nâng tổng số bệnh viện dã chiến lên 24 bệnh viện, quy mô gần 42.000 giường.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 13/7: Vũng Tàu sẽ thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16:
Tâm Đức