Cuối cùng Sùng Thị Dua (ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) cũng được công an Trung Quốc giải cứu cùng một người phụ nữ khác và giúp đỡ trở về địa phương.
Vỡ mộng đổi đời
Trong ngôi nhà sàn nhỏ tiêu điều nằm chênh vênh nơi sườn đồi, chị Sùng Thị Dua (ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù) lặng lẽ xay bột. Chị là nạn nhân bị lừa vượt biên trái phép sang Trung Quốc vào đầu tháng 1/2016, trở về nhà mấy tháng nay nhưng nét mặt chị vẫn còn hoảng hốt, đau khổ khi nhắc lại chuyến đi ác mộng đó.
|
Một góc xã Bản Mù, Trạm Tấu, Yên Bái. |
Lấy chồng gần 20 năm, đã có 4 đứa con, gia đình chị Dua cũng là hộ khá của thôn. Nói là khá nhưng thực tế Dua vẫn phải lao động hùng hục từ mờ sáng đến tối sẩm mới kiếm đủ bát ăn cho cả gia đình, nói gì đến váy đẹp, áo mới hoặc đi mua sắm nơi chợ huyện.
Lấy chồng từ tuổi trăng tròn, đã là mẹ của cả đàn con nhưng Dua mới ngoài 30 tuổi, vẫn còn trẻ lắm, và giờ đây khi các con đã lớn, đã biết đỡ đần mẹ vài việc thì Dua có thời giờ rảnh rang để nghĩ cho riêng mình. Khi nghe các đối tượng lạ dụ dỗ cuộc sống sung túc ở bên kia biên giới có chồng giàu và sống sung sướng hơn mà không phải lao động vất vả, chị đã trốn nhà vượt biên đi.
Sau một ngày một đêm vượt núi, băng rừng ở con đường mòn giáp ranh biên giới Trung Quốc - Việt Nam, chị Sùng Thị Dua được bán cho một gia đình chị không biết tên, cũng không rõ địa chỉ.
Sau 4 ngày, Dua được một người đàn ông Trung Quốc đến xem mặt. Thấy người đàn ông già ngang tuổi bố mình, mặt mũi khó ưa, nhìn cũng không có vẻ phong lưu giàu có nên chị không đồng ý lấy ông ta làm chồng.
Gia đình nhà chủ thấy vậy, nhốt chị trong một căn phòng nhỏ và dọa sẽ giết chết nếu chị không ưng thuận hoặc bỏ trốn. 12 ngày trong căn phòng u ám đến lúc cơ hội trốn chạy gần như tuyệt vọng thì may mắn, ngày hôm đó, 2 người phụ nữ trong nhà đi đám cưới, người đàn ông trông coi chị bị say rượu. Đợi trời tối, nhân lúc sơ hở, Dua liều mình trốn khỏi ngôi nhà với 1 cái đèn pin và cứ thế chạy thẳng lên rừng.
Dua kể, 6 ngày liên tục, ban ngày chị lang thang hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để tìm lối thoát, tối đến tìm bìa rừng gần khu dân cư để ngủ. 6 ngày chị chỉ xin được 2 bữa cơm, còn lại là ăn mía hoặc quả tại những vạt đồi của những gia đình Trung Quốc trồng. Khi nước mắt đã cạn, bản thân không còn chút sức lực, chị may mắn gặp được công an nước bạn và sống sót trở về.
Hôm nay, kể lại cho chúng tôi, Dua vẫn còn thảng thốt: “Tôi sợ lắm rồi, vì nhẹ dạ cả tin và mơ tưởng hão huyền, chút nữa tôi mất đi mạng sống, không được gặp các con. Tôi mong chị em phụ nữ đừng dại dột như tôi nữa. Hãy ở nhà yêu thương chồng con và người thân của mình, ở đâu cũng cần phải lao động mới có cuộc sống tốt”.
Hỏi ra mới biết, chị Dua không biết chữ, chưa từng được đi học. Con gái vùng sâu, nhà nghèo, lo có cái ăn đã khó, nói gì đến học hành. Trong chuyến vượt biên, Dua chỉ nhớ được một người đã dặn, nếu gặp công an hãy nói 2 từ “Lào Cai”, họ sẽ đưa chị về. Thông tin trang bị cho chuyến vượt biên của mình chỉ có vậy.
Chị Sùng Thị Bầu- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) chia sẻ: “Toàn xã có 530 hội viên phụ nữ, người trẻ thì biết chữ, còn người như chị Dua thì nhiều lắm. Học xóa mù rồi con chữ theo lên nương chẳng được lâu. Nhận thức hạn chế nên các chị mới dễ bị lôi kéo, dụ dỗ. Tới đây, Hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để chị em phụ nữ hiểu hơn về tình trạng này để còn tránh”.
Bi kịch vì sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết
Tiếp tục hành trình, chúng tôi lại lên đường về thôn Sán Trá, xã Bản Công (huyện Trạm Tấu, Yên Bái)- nơi có 15 phụ nữ vượt biên và 1 người đã trở về.
Người phụ nữ may mắn ấy là Giàng Thị May, 28 tuổi, lý do vượt biên không khác chị Dua. May muốn tìm đến chân trời mới với một người chồng mới giàu có, chiều chuộng giống như trên mấy bộ phim đã từng xem để thay đổi cuộc sống.
Nhưng cũng một cái kết đắng lòng khi 4 ngày ròng rã với những cuộc mua đi, bán lại, kiệt quệ cả thể xác và tinh thần, cơm không có ăn, nước không đủ uống và cuối cùng May cũng được công an Trung Quốc phát hiện cùng một người phụ nữ khác và giúp đỡ trở về địa phương. Cũng giống chị Dua, May không biết chữ, tiếng Việt bập bõm, tiếng Trung thì không, chỉ khi đi về rồi mới biết đến cụm từ “vượt biên trái phép và lừa đảo phụ nữ”.
Khi còn ở nhà với chồng, May chỉ lên nương, họa hoằn mới xem phim trên ti vi hoặc ca nhạc. May nhắn nhủ: “Chị em phụ nữ khác đừng để bị lừa như mình. Sang đấy cũng rừng xanh, núi đỏ, khổ lắm, nhục lắm! Hãy ở nhà lao động sẽ có cuộc sống tốt hơn”.
Chúng tôi về xã Túc Đán gặp chị Mè Thị Lẩu ở thôn Pa Te. Chồng mất sớm, chị lại bị khuyết tật ở chân nên hoàn cảnh gia đình khó khăn, 4 mẹ con sống tựa vào nhau.
Khoảng tháng 8/2014, con gái lớn của chị là Lèo Thị Y, sinh năm 2000, đang lớp 8 thì bỏ học đi theo một số người trong thôn nói là đi làm ở Hưng Yên kiếm tiền để nuôi gia đình. Hơn một năm nay, Y chỉ được về thăm nhà có một lần.
Một tháng trước, Y có liên lạc về nói là đang ở Trung Quốc nhưng cũng không biết rõ địa chỉ cụ thể, hiện giờ thì chị Lầu mất liên lạc hoàn toàn, không biết con gái 16 tuổi của chị đang ở đâu. Cuộc sống gia đình chị Lẩu đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Con đi không một chút tin tức, không đêm nào chị Lẩu được yên giấc nên sức khỏe càng ngày càng sa sút.
Chị Lầu vừa nói vừa khóc: “Khi con tôi cùng mấy người trong thôn đi làm xa, nó mới 14 tuổi. Mới đầu tưởng nó làm ở trong nước thôi, ai ngờ đi xa quá. Biết nó ở Trung Quốc nhưng cụ thể không biết ở đâu, lại bặt vô âm tín. Gia đình tôi sống không yên, thương con và sợ có chuyện không may xảy ra với cháu”.
Chị Lưu Thị Quế - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về cơ sở, để nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ. Nhiệm kỳ mới, Hội đã có những đồng chí đủ trình độ, tâm huyết với công việc, tin tưởng hoạt động Hội sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.
Hiện những phụ nữ trở về từ bên kia biên giới đã được các ban ngành, đoàn thể của huyện Trạm Tấu quan tâm, thăm hỏi động viên. Chị em trở về địa phương trong sự bao dung của cộng đồng đã yên tâm ổn định sản xuất, xóa đi những vết thương lòng do nhẹ dạ, cả tin.
Huyện đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân, như: làm đĩa VCD tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng Việt, Mông, Thái gửi về các xã để tuyên truyền trong các buổi họp thôn, bản; phân công cán bộ phụ trách các cơ sở thường xuyên theo dõi nắm tình hình để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra. Đến nay, huyện Trạm Tấu đã không còn những trường hợp rời khỏi địa phương trái phép.
Có đến những thôn bản vùng cao khó khăn này mới thấu hiểu nỗi cơ cực của bà con, nhất là chị em phụ nữ. Trong xã hội công nghệ thông tin phát triển nhưng vẫn có những chị em phụ nữ nơi non cao Trạm Tấu vẫn tụt hậu về văn hóa như: không biết nói tiếng phổ thông hoặc không biết chữ; việc tiếp cận thông tin đại chúng chỉ dừng ở việc xem phim, xem ca nhạc. Đây có lẽ là nguyên nhân để chị em phụ nữ người Mông trên địa bàn huyện dễ bị dụ dỗ, lừa đảo vượt biên trái phép, để lại trên mình những tổn thương về tinh thần và thể xác khó có thể lành lại.
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):
Theo PLVN