Hơn 30 năm nuôi vợ của chồng
Khi nhắc đến tên bà Hoàng Thị Ngọ (51 tuổi, ngụ thôn 3, xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), người dân địa phương không ai không khỏi cảm thương. Người phụ nữ này sống trong cảnh nghèo khổ, cơ cực nhưng lại để tiếng thơm thảo quanh vùng bởi có một tấm lòng nhân ái hiếm có.
|
Bà Ngọ đang chải tóc cho “chị cả” của mình. |
Trò chuyện với PV, bà Ngọ cho biết, quê mình ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thời còn con gái, bà Ngọ thường lui tới, chăm sóc cho người hàng xóm là Nông Thị Nhu, bị tai biến liệt giường. Biết mình khó khỏi bệnh, lại thấy cô hàng xóm dễ thương, tính tình nết na, thùy mị nên bà Nhu đã “xúi” chồng-ông Lương Văn Chắn (nay đã mất) đi thêm bước nữa.
Khi ông Chắn tỏ tình, bà Ngọ rất sợ những lời đàm tiếu không hay về mình nên chối từ. Thế nhưng, cuối cùng duyên số cũng đưa đẩy hai người nên duyên vợ chồng vào năm 1987. Thời điểm đó, ông Chắn, bà Nhu đã ly hôn. Tuy nhiên, ông vẫn giữ “vợ cũ” trong nhà để chăm sóc, nuôi dưỡng cho trọng vẹn nghĩa tình. Bên cạnh đó, bà Ngọ cũng chẳng nề hà chuyện cơm nước, vệ sinh cá nhân cho “chị cả”.
Năm 1992, do cuộc sống ở quê khó khăn, ruộng đất ít nên cả gia đình quyết định vào Đắk Nông lập nghiệp. Khi đi, ông Chắn cũng không quên mang theo người vợ trước của mình để tiện bề chăm sóc.
Đến vùng đất mới, cuộc sống của gia đình bà Ngọ gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn, thiếu đất sản xuất. Năm 2002, ông Chắn qua đời sau một cơn bạo bệnh, bỏ lại bà Ngọ và các con thơ với cuộc sống đầy rẫy khó khăn.
Sau khi lo xong tang lễ cho chồng, bà Ngọ phải gồng mình làm việc để lo miếng cơm manh áo cho các con. Nhờ chịu thương chịu khó, bà Ngọ đã nuôi nấng cả 4 đứa con khôn lớn, đồng thời chăm sóc cho “chị cả” của mình chu đáo. Tính đi tính lại, đã mấy chục năm trôi qua nhưng chẳng ai nghe bà Ngọ nói lặng lời với vợ trước của chồng một tiếng nào.
Bà Ngọ chia sẻ: “Duyên số cho hai chị em tôi gặp nhau, nương tựa nhau mấy chục năm qua. Giờ tôi chỉ mong các con ai nấy đều yên bề gia thất, sống vui vẻ, đủ đầy là tôi hạnh phúc lắm rồi. Việc chăm sóc chị Nhu, tôi không coi đó là trách nhiệm mà là tình thương, sự cảm thông giữa người với người, giữa những người phụ nữ với nhau”.
Nhận xét về bà Ngọ, ông Nông Văn Sinh, Trưởng thôn 3 xã Đắk Đrông cho biết: “Hoàn cảnh của cô Ngọ rất đáng thương. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, cô ấy đã gồng gánh, tần tảo để nuôi các con khôn lớn, lại chăm sóc cho người vợ trước của chồng chu toàn mà không một tiếng than vãn. Cô ấy là người phụ nữ có đức tính tuyệt vời nhất mà tôi từng biết”.
Bị đuổi đi vẫn trở về giúp mẹ chồng
Tại Cụm Ba Tầng (xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), cũng có một người phụ nữ có tấm lòng thơm thảo, được xóm giềng nể phục là bà Hoàng Thị Sú (53 tuổi). Trước đây, bà Sú là vợ của ông Đàm Văn Song (đã chết). Thế nhưng, sau khi chung sống với nhau 15 năm, có một mặt con, ông Song nổi máu trăng hoa, quen tình nhân mới rồi về đánh đập, đuổi vợ con ra khỏi nhà để cưới người khác.
|
Dù bị chồng đánh đuổi nhưng bà Sú (bên phải) vẫn quay về phụng dưỡng mẹ chồng khi hoạn nạn. |
Tháng 8/2013, ông Song cùng người vợ sau bị Hoàng Văn Bích (1964, thôn Quyết Tâm, xã Ea Pô, huyện Cư Jút) sát hại. Thời điểm đó, ông Song và người vợ sau đã có 3 mặt con, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi.
Trong lúc cụ Nông Thị Bay (84 tuổi, mẹ ông Song) chưa hết đau khổ vì cái chết của con trai thì người con dâu cũ (tức bà Sú) trở về. Lo xong hậu sự cho người chồng bạc mệnh, từng hắt hủi mình, bà Sú xin cụ Bay cho mình ở lại nhà để chăm sóc những đứa trẻ nhỏ, đồng thời đỡ đần cụ trong những lúc ốm đau. Trong tình cảnh đó, cụ Bay nước mắt ngắn dài, ôm chầm lấy người con dâu cũ gật đầu đồng ý.
Trao đổi với PV, Cụ Bay cho biết: “Ngày trước, con trai tôi đánh Sú gãy tay rồi đuổi đi, tôi can hoài nhưng không được. Sau đó, Sú bế con ra gần bờ suối, dựng tạm một cái lều sống những ngày tháng cơ cực. Không ngờ, khi gia đình tôi xảy ra chuyện, Sú vẫn gạt qua tất cả, quay về chăm sóc các cháu nhỏ và đỡ đần tôi những lúc ốm đau”.
Đến cuối năm 2013, cả 3 cháu nhỏ của cụ Bay được chính quyền địa phương đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông. Cũng trong năm đó, cụ Bay bị tai biến liệt hẳn hai chân. Bởi vậy, mấy năm qua, mọi chuyện từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân của cụ đều do một tay người dâu cũ đỡ đần.
Nói về sự trở lại của mình, bà Sú cho biết: “Nghĩa tử là nghĩa tận, khi nghe tin chồng cũ gặp nạn, nghĩ lại thấy thương nên tôi quay về giúp mẹ chồng. Giờ các con đã được nhà nước chăm lo, nuôi dạy tôi rất yên tâm. Chỉ mong sao mẹ mãi mạnh khỏe để vui vầy cùng con cháu”.
Theo quan sát của PV, trong căn nhà gỗ ọp ẹp của cụ Sú, chẳng có gì đáng giá ngoài vài bao bắp khô và mấy cái nồi đen nhẻm bên góc bếp. Cũng vì nghèo, không có điều kiện nên cụ Sú đành phải nhờ đến chính quyền địa phương, giúp đỡ, nuôi nấng các cháu của mình.
Trao đổi về trường hợp của cụ Bay, bà Sú, ông Đinh Công Xoan-Chủ tịch xã Ea Pô cho biết, gia đình cụ Bay thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn. Sau khi con trai cụ bị sát hại, UBND xã cũng cấp cho cụ một mảnh đất ở khu tái định cư để ổn định chỗ ở.
“Phía xã cũng muốn giúp đỡ cụ Bay nhiều hơn thế nữa. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên chưa đủ điều kiện. Hiện cụ già yếu, bị liệt hai chân nhưng rất may, có chị Sú nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo”, ông Xoan thông tin.
Theo Trần Nhân-Hải Dương/Infonet