Cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp có thể từ chức, bị miễn nhiệm

Google News

Người có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu thì "có thể xin từ chức". Người được bỏ phiếu tín nhiệm nhận được hơn 50% đánh giá "không tín nhiệm" thì sẽ bị xem xét miễn nhiệm.

Ngày 25/3 tới sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.
Theo Nghị quyết 96 năm 2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ.
Người có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu thì "có thể xin từ chức".
Trong trường hợp không xin từ chức, thường trực HĐND trình HĐND để bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Người được bỏ phiếu tín nhiệm nhận được hơn 50% đánh giá "không tín nhiệm" thì sẽ bị xem xét miễn nhiệm.
Can bo co phieu tin nhiem thap co the tu chuc, bi mien nhiem
 Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận 25 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 53,19%), ông vừa bị khởi tố, bắt tạm giam vì những sai phạm trong quá trình làm lãnh đạo. 
Báo cáo tổng kết tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ở cấp tỉnh có tổng số 1.700 người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.
HĐND không lấy phiếu tín nhiệm đối với 208 người, trong đó có 176 người mới được HĐND bầu trong năm 2023 và 32 người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được miễn nhiệm trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm cao" là 1.546/1.700 người, chiếm tỷ lệ 90,94%. Có 1 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" đó là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.
Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc lấy phiếu tín nhiệm 28 nhân sự chủ chốt, khi đó cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận 25 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 53,19%).
HĐND cấp tỉnh, huyện ở 63 địa phương đã lấy phiếu tín nhiệm hơn 13.000 cán bộ, trong đó 10 người có trên 50% tín nhiệm thấp. Các địa phương cũng đã tiến hành quy trình, thủ tục đối với các nhân sự này.
Đối với cấp huyện có tổng số 12.028 người được lấy phiếu tín nhiệm. HĐND không lấy phiếu tín nhiệm đối với 1.624 người, trong đó có 1.466 người mới được HĐND bầu trong năm 2023 và 158 người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được miễn nhiệm trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm cao" là 10.968/12.028 người, chiếm tỷ lệ 91,19%.
Có 8 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" tại các tỉnh, thành: Bình Phước, Hậu Giang, Nghệ An, Hải Phòng, Hòa Bình, Kiên Giang. 1 trường hợp có trên 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp” tại tỉnh Quảng Nam.
Trường hợp tại Bình Phước đã xin từ chức và được chấp thuận. Trường hợp tại Hậu Giang, HĐND cấp huyện đã họp bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ.
Tại Nghệ An, 2 trường hợp cũng được HĐND cấp huyện tổ chức kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm và đã miễn nhiệm cả hai.
Tại Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy có quyết định bố trí, luân chuyển công tác với cán bộ này.
Tại Hòa Bình, HĐND đã tổ chức họp bỏ phiếu tín nhiệm nhưng kết quả không quá 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" nên cán bộ này vẫn được giữ nguyên chức vụ.
Còn 2 trường hợp tại tỉnh Kiên Giang và 2 trường hợp tại tỉnh Quảng Nam, các cơ quan đang tiến hành các thủ tục để sớm trình HĐND xem xét, quyết định.
Có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”: Có thể xin từ chức
Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

PV