Thời gian qua, thông tin báo chí phản ánh về cán bộ trực chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cầu Phú Lâu (xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) – chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào Hải Dương, giáp ranh tỉnh Bắc Ninh có dấu hiệu nhận tiền “lót tay” để cho dân qua thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là thời điểm dịch diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hải Dương.
Có nhận 30000 đồng, 50.000 đồng nhưng…
Mới đây, UBND xã Cẩm Hoàng (huyện Cẩm Giàng) đã có kết luận về thông tin phản ánh của báo chí về việc chốt kiểm dịch COVID-19 nhận “mãi lộ” tại chốt Cầu Phú Lâu.
Kết quả xác minh cho thấy, chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cầu Phú Lâu (thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng giáp ranh với huyện Lương Tài, Bắc Ninh) có 10 người gồm công an viên, thôn đội trưởng, hội viên hội cựu chiến binh tham gia trực chốt, kiểm soát phương tiện, người đi lại qua chốt nhằm không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
|
Hình ảnh được cho cán bộ chốt nhận tiền. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển. |
Tường trình của các thành viên trực chốt cho thấy, một số công dân, lái xe thường xuyên nhận hàng trung chuyển tại chốt cho thấy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại chốt, lực lượng có nhận được sự quan tâm ủng hộ bằng tinh thần, vật chất của một số cá nhân.
“Có cá nhân đã thấy được sự vất vả của lực lượng nên tự nguyện hỗ trợ cho rau, củ, quả, nước uống, mỳ tôm, trứng gà và thi thoảng nhân dân có cho 30.000 đồng- 50.000 đồng để anh em sinh hoạt tại chỗ; các khoản hỗ trợ này được lực lượng chốt ghi chép đầy đủ có trong sổ nhật ký lưu tại chốt. Số tiền nhân dân ủng hộ chốt được sử dụng vào việc chi sinh hoạt chung không có mục đích cá nhân”- báo cáo cho biết.
Nói về thông tin lực lượng trực chốt Cầu Phú Lâu nhận mãi lộ, UBND xã Cẩm Hoàng cho biết, UBND xã đã tổ chức họp toàn bộ lực lượng công an xã và lực lượng trực chốt để yêu cầu giải trình làm rõ sự việc trên.
Tại buổi làm việc, lực lượng trực chốt đã công nhận có việc nhân dân tự nguyện ủng hộ các nhu yếu phẩm và thi thoảng ủng hộ 30.000 đồng - 50.000 đồng cho chốt để sinh hoạt, giảm bớt khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Ngày 2/7/2021, khi làm nhiệm vụ tại chốt ca chiều là ông Đặng Đình Phả (công an viên), ca tối là ông Nguyễn Trọng Lực (thôn đội trưởng) trình bày có 3 thanh niên đi ô tô xin qua chốt để sang Bắc Ninh có đưa cho ông Phả 500.000 đồng, đưa cho ông Lực 200.000 đồng nhưng ông Phả và ông Lực không nhận.
UBND xã Cẩm Hoàng cho biết, việc lực lượng trực chốt Cầu Phú Lâu, thôn Kim Đôi gây khó khăn, phiền hà để nhận tiền mãi lộ tại chốt Cầu Phú Lâu như phản ánh của báo chí là chưa có căn cứ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh, xã có quyết định tạm đình chỉ công tác tại chốt kiểm dịch COVID-19 với 2 cán bộ là ông Phả và ông Lực.
Đồng thời, tổ chức họp toàn bộ lực lượng công an xã, lực lượng trực chốt chấn chỉnh, kiểm điểm nghiêm túc về việc thực hiện nhiệm vụ tại chốt. Chỉ đạo trưởng công an xã yêu cầu lực lượng trưc chốt viết giải trình làm rõ sự việc. Ra quyết định thành lập Tổ xác minh làm rõ, kết luận thông tin phản ánh.
Xã Cẩm Hoàng đã chỉ đạo trưởng công an xã cử lực lượng công an chính quy tham gia trực chốt; yêu cầu các ca trực chốt phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.
"Quan điểm của tôi nếu có chuyện gây khó khăn để nhận tiền mãi lộ sẽ bị kỷ luật nghiêm túc. Hải Dương đã chống đỡ và trải qua bao nhiêu đợt dịch. Bao nhiêu công sức của toàn Đàng, toàn dân chứ không phải mấy ông trực chốt. Vi phạm đến đâu mà cơ quan chức năng làm rõ ra, xã sẽ kỷ luật theo chức năng, thẩm quyền của xã"- ông Thắng nói.
Huyện cần vào cuộc, làm rõ, có kết luận đầy đủ
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu có việc nhận tiền mãi lộ để thông chốt kiểm soát dịch bệnh thì đó là hành vi hết sức nguy hiểm, không chỉ làm suy thoái đạo đức cán bộ, giảm uy tín của cán bộ đối với nhân dân mà còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thậm chí, đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Do đó, cơ quan chức năng mà trong vụ việc này là UBND huyện Cẩm Giàng cần xác minh làm rõ, có kết luận đầy đủ về sự việc đồng thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng cần thu thập thông tin từ phía quần chúng nhân dân về việc các cán bộ ở chốt kiểm dịch này nhận tiền để cho người dân qua chốt. Đồng thời sẽ yêu cầu cán bộ có liên quan viết tường trình về sự việc để làm rõ sự việc.
Trường hợp có căn cứ cho thấy có việc nhận tiền, phải làm rõ đây là tiền gì, có phải là tiền “bồi dưỡng cán bộ uống nước” (như nội dung trả lời của ông Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng) hay là số tiền thỏa thuận để được qua chốt kiểm dịch khi không đủ điều kiện di chuyển ra khỏi địa phương.
Trường hợp những người đi qua chốt kiểm dịch này là đủ điều kiện đi qua, họ tự nguyện cho tiền cán bộ trực chốt để uống nước, hành vi này cũng không được phép diễn ra.
“Sự việc này không chỉ xảy ra với một lần, một người mà đã trở thành một diễn biến xấu theo như nội dung phản ánh. Trường hợp địa phương khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ phòng dịch cần phải có báo cáo với cấp trên. Nếu huy động quân đóng góp ủng hộ từ nhân dân phải có chương trình, thủ tục, phải công khai chứ không thể tự ý nhận tiền của người dân như vậy. Việc cán bộ nhận tiền, nhận quà của người dân trong trường hợp không có thỏa thuận về công việc phải làm. Việc nhận tiền như vậy vẫn là trái quy định của pháp luật và các quy định của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng”- luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, nếu trường hợp những người không đủ điều kiện qua chốt mà phải nộp tiền để được qua chốt thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bởi đó là hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và có thể xem xét xử lý hình sự.
Do đó, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ điều kiện nào để người dân có thể đi qua chốt kiểm dịch này. Trường hợp có vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Trước tiên cần tạm đình chỉ công tác đối với các cán bộ này để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh làm rõ sự việc. Trường hợp có căn cứ cho thấy mức độ vi phạm đến mức phải xử lý hình sự sẽ phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi cho những người đưa tiền để được qua chốt kiểm dịch này có gây hậu quả như thế nào đối với công tác phòng chống dịch bệnh.
Trường hợp những người ra khỏi chốt là đi khỏi nơi cách ly, cả người dân và cán bộ trực chốt đều sẽ bị xử phạt hành chính đến 20.000.000 đồng về hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế. Trường hợp vi phạm quy định mà vẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo điều 240 bộ luật hình sự 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm chuyển nhiệm cho người ngoài hành vi vi phạm nhận tiền như đã phân tích ở trên.
“Thời điểm này dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát ở nhiều nơi bởi vậy những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như thế này của lực lượng phòng chống dịch bệnh cũng như của những người dân trong khu vực đang bị kiểm soát thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu có hành vi lợi dụng hoạt động phòng chống dịch bệnh để trục lợi cần phải xử lý nghiêm minh để duy trì trật tự kỷ cương, đảm bảo công bằng, nhằm duy trì niềm tin của người dân đối với lực lượng phòng dịch cũng như đối với chính quyền”- luật sư Cường nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thanh niên ngáo đá chạy xe máy tông sập chốt kiểm dịch COVID-19
Nguồn: Truyền hình Cần Thơ.
Hải Ninh