|
Nạn phá rừng nhức nhối vì có sự tiếp tay của cán bộ. Ảnh minh họa. |
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2020) do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chiều 9/4, ông Nguyễn Đức Luyện, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông bất ngờ “xin được nói những nội dung ngoài báo cáo, kiến nghị chưa có trong báo cáo” chắc chắn khiến không ít người giật mình.
Ý kiến “ngoài báo cáo” của vị phó chủ tịch tỉnh tại cuộc họp quan trọng này có mấy điểm đáng lưu ý:
Một là, báo cáo của các cấp các ngành so với thực tế chênh nhau một trời một vực. Ông Luyện nói: “Tài nguyên rừng ở Đắk Nông đang suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng. Cá nhân tôi theo dõi lĩnh vực này thấy số liệu hằng năm không như báo cáo nên khó khăn trong việc làm chính sách”. Con số chênh lệch 29.500 ha rừng giữa báo cáo được công bố và thực tế mà ông nêu ra đã minh chứng cho điều ông nói. Có điều, dư luận chưa hiểu, ông là người phụ trách lĩnh vực nông - lâm nghiệp, biết có sự vênh về số liệu như thế, vậy mà các báo cáo vẫn được công bố, dù trong cuộc họp này việc ông “dũng cảm” nói ra sự thật đó cũng đáng hoan nghênh lắm rồi?
Hai là, về nguyên nhân mất rừng (hay phá rừng), ông khẳng định: “Nguyên nhân thứ nhất liên quan đến cán bộ. Những cuộc phá rừng không xử lý được vì có cán bộ trong đó." và "Cán bộ có nhận đất, có nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh cho phá rừng. Do đó nó cứ lùng nhà lùng nhùng, sang nhượng lung tung đâu xử lý được... Chúng tôi đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, không làm rõ được trách nhiệm vì có... quân ta trong đó”.
Ông phó chủ tịch đã chỉ thẳng thừng, phá rừng trước hết là do cán bộ, do “quân ta” chứ không phải mấy ông cửu vạn lâu nay vốn bị qui cho là lâm tặc! Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp nói trên cũng đã nhấn mạnh: “Trong rất nhiều vụ vi phạm lâm luật có nhiều lực lượng ngầm đứng đằng sau. Nếu không phối hợp tốt hơn như công an, kiểm lâm, chính quyền địa phương không cách gì phát hiện đầu nậu gỗ, đầu nậu rừng, đầu nậu lâm sản mà chỉ bắt được mấy ông cửu vạn”.
Ba là, chỉ đích danh kẻ phá rừng đã khó nhưng để “xử” được họ thì càng khó hơn vì dính đến “quân ta”. Cùng là cán bộ cho nên “nặng tình nặng nghĩa” với nhau là chuyện đương nhiên, vả lại mấy ai đủ dũng khí lấy đá ghè chân mình? Bởi thế chuyện xử lí đúng như ông Luyện ví von: cứ lùng nhà lùng nhùng để rồi kết cục rừng mất cứ mất, đất chiếm cứ chiếm. Những “lực lượng ngầm” vẫn cứ tác oai tác quái, còn chính quyền thì dường như bất lực, loay hoay tìm giải pháp bởi hễ đụng vào đâu cũng gặp phải “quân mình”(!?)
Công cuộc chống lâm tặc, bảo vệ rừng vì thế xem ra thật nan giải, không riêng gì ở Đắk Nông mà còn ở các địa phương khác trong cả nước. Cái sự “lùng nhà lùng nhùng” như ông phó chủ tịch tỉnh nói xem ra không thuộc về phạm trù luật pháp nữa mà thuộc về phạm trù con người. Đó chính là sự dối trá trong báo cáo, sự bao che dung túng trong xử lí vì nể nang hay vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Và thế là, máu rừng vẫn chảy, đất rừng vẫn bị xâm chiếm, để rồi không ai có thể tin nổi một sự thật: Diện tích rừng che phủ ở Đắk Nông hiện tại chỉ còn 36%?
Nguyễn Duy Xuân