Hơn 20 năm qua, nhiều d
ự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng ồ ạt tại miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên.
Toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đưa vào vận hành khai thác 54 thủy điện bậc thang (7.025MW) và 156 thủy điện nhỏ (1.565MW); đang thi công xây dựng 11 dự án bậc thang (704MW) và 72 dự án thủy điện nhỏ (859 MW); đang nghiên cứu và đã quy hoạch 7 dự án bậc thang (843MW) và 160 dự án thủy điện nhỏ (1.525MW).
Thủy điện hiện đang đóng góp khoảng 35% - 40% sản lượng năng lượng quốc gia. Nhưng sự phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện đã làm gia tăng các vấn đề môi trường - xã hội và chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả bất lợi, trong đó điển hình nhất là những hệ lụy thiên tai từ việc mất rừng.
Khi còn rừng, dòng chảy mặt rất thấp, nó nằm ở dưới ngầm. Lũ cũng không có nhiều vì nước ngấm xuống đất đá rồi mới chảy ra dần. Nhưng khi rừng bị phá, dòng chảy mặt rất lớn. Càng phá rừng càng dễ xảy ra hiện tượng sa mạc hóa và hậu quả là dẫn đến sạt lở đất. Và sau câu chuyện thủy điện xả lũ ở miền Trung thời gian qua, có lẽ vấn đề quy hoạch thủy điện là bài học lớn nhất.
|
Thủy điện Rào Trăng 3 (thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) bị đổ nát trong trận mưa lũ vừa qua, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và của.
|
Trao đổi với Lao Động, TS Phạm Sĩ Huân - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư Điện lực 3 cho biết, về các công trình thủy điện ở Việt Nam, điều khiến ông không yên tâm nhất là đa số các công trình thủy điện nhỏ và vừa không có hồ chứa, chỉ có một số công trình được xây dựng về sau mới có hồ chứa.
“Nên yêu cầu về công tác thẩm tra, thẩm định, cấp phép cho các công trình thủy điện nên cấp theo dung tích hồ chứa, chứ không nên cấp theo công suất của nhà máy như hiện nay. Nếu nhà máy thủy điện có công suất lớn nhưng không có hồ hoặc hồ nhỏ thì nguy cơ nhỏ. Nhưng ngược lại nếu nhà máy thủy điện nhỏ nhưng có hồ chứa lớn thì nguy cơ càng to. Nguy cơ nằm ở hồ, hồ chứa lượng nước càng lớn thì nguy cơ càng cao” - TS Phạm Sĩ Huân cho hay.
TS Phạm Sĩ Huân thẳng thắn thừa nhận, điểm yếu nhất của các công trình thủy điện của Việt Nam hiện nay là công tác thiết kế. Trước đây, việc thiết kế công trình thủy điện chỉ ở 1-2 Cty rất mạnh, ví dụ như ở Cty Tư vấn xây dựng điện 1 từng được coi là cái nôi của ngành thiết kế thủy điện.
“Nhưng sau này, công tác tư vấn thiết kế thủy điện bùng nổ theo nhu cầu đã xuất hiện hàng loạt Cty tư vấn thiết kế, trong mỗi Cty tư vấn thiết kế lại chỉ có một vài người ở một vài chuyên ngành có khả năng thiết kế thủy điện, còn lại các chuyên ngành khác phải hoạt động theo kiểu “hợp tác” cấu chỗ này véo chỗ kia, liên doanh liên kết dưới dạng thuê chuyên gia thời vụ… không chuyên sâu, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là tại các Cty tư vấn thiết kế nhỏ.
Một vài Cty có khả năng “nhảy” ra lập Cty và việc “cấu véo” chỗ này đắp chỗ kia như đã nói ở trên khiến công tác tư vấn thiết kế không đảm bảo chất lượng” - TS Phạm Sĩ Huân nêu quan điểm.
Ông Huân cũng cảnh báo, các hồ chứa thủy điện hiện nay không đáng ngại bằng các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp xây dựng thời Liên Xô cũ ở các thập niên 60-70 đã già nua, cũ kỹ, thiết kế lạc hậu, dung tích không còn phù hợp với công tác phân lũ và xả lũ hiện nay.
Theo ông Huân: “Các đập của các hồ chứa này chủ yếu xây bằng đất đá, ngành thủy lợi lại không đủ kinh phí để duy tu hay nâng cấp cải tạo các đập này. Nguy cơ hiện nay nằm ở các hồ thủy lợi. Các hồ chứa thủy lợi hiện nay cũng như các “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu, đe dọa hạ du nếu xảy ra sự cố thiên tai. Trong khi đó, số lượng hồ chứa thủy lợi xuống cấp hiện nay rất lớn”.
>>> Xem thêm video: Những hình ảnh cuối cùng của 13 cán bộ, chiến sĩ đi cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3
Gia Đạt (T/H)