Theo đánh giá, mức lãi suất này phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu để xây dựng lộ trình giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Bình ổn định chế tài chính
Ngân hàng Nhà nước (NHNH) mới ban hành Quyết định số 1956/QĐ-NHNN về mức lãi suất ở Ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn tái cấp vốn của NHNH, theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNN và Thông tư 25/2016/TT-NHNN. Tiếp tục áp dụng từ ngày 1/1/2022, không thay đổi so với năm 2021 là 4,8%/năm.
Đánh giá về nội dung này, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, việc NHNN quyết định mức lãi suất hỗ trợ cho vay nhà ở là 4,8%/năm hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế. Vì so với lãi suất cho vay ở các ngân hàng đối với những lĩnh vực khác là thấp hơn rất nhiều (lãi suất cho vay đầu tư công trình, dự án đang dao động từ 9 - 11%/năm).
|
Thị trường thiếu nguồn cung nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. |
“Tôi cho rằng những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ lãi suất cho vay nhà ở như vậy là rất tốt, vừa hỗ trợ cho người mua nhà, sửa nhà. Áp dụng như vậy cũng sẽ không gây ra vướng mắc về định chế tài chính và chênh lệch quá nhiều so với những hoạt động cho vay của các ngành nghề khác” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Cần giảm lãi suất cho vay
Căn cứ theo quy định, những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ lãi suất cho vay về nhà ở, gồm: Người mua, thuê, thuê mua NƠXH và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH, nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án NƠXH do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, trên thực tế theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, những dự án nhà ở thương mại ở các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2 – PV). Tương tự dự án NƠXH cũng ngày càng “mất hút”, chỉ tính riêng quý III/2021 cả nước có duy nhất 1 dự án NƠXH được cấp phép mới tại tỉnh Lạng Sơn. Trong khi đó, số lượng sản phẩm nhà ở trung – cao cấp (chiếm khoảng 30% nhu cầu thị trường) lại đang dư thừa từ 70 – 100 triệu m2 sàn.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, Nhà nước hiện chưa có cơ chế ưu đãi cụ thể dành khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phục vụ nhu cầu cho người dân. Từ khi gói tài chính 30 nghìn tỷ đồng, sử dụng cấp tái vốn phát triển NƠXH giai đoạn 2014 – 2016 dùng hết, cũng chưa bố trí thêm được nguồn tài chính nào tương xứng, thiếu định chế tài chính cho phát triển nhà ở nói chung, đặc biệt là NƠXH.
“Trong vòng 5 năm qua, Quốc hội và Chính phủ cũng đã bố trí một số gói tài chính từ 2 – 3 nghìn tỷ đồng để tái cấp vốn cho vay ưu đãi NƠXH. Thực tế, nguồn vốn này không được cấp đủ cho thị trường, cùng với đó là những vướng mắc về thủ tục hành chính khiến cho người có nhu cầu khó tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi này” – ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Để giải quyết tình trạng trên, theo đại hiện HoREA các Bộ, ngành được Chính phủ giao nhiệm vụ cần nhanh chóng triển khai đưa các gói tài chính đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt vào thực tế, đặc biệt là gói tài chính dùng để tái cấp vốn cho Ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định. Bên cạnh đó, ngoài những đối tượng là người mua, thuê mua NƠXH, cần mở rộng hơn quy mô vốn để cho doanh nghiệp đầu tư NƠXH được vay. Về lâu dài, nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất khoản cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn tái cấp vốn của NHNN, hợp lý nhất từ 3 – 4%/năm.
Theo Doãn Thành/Kinh tế và đô thị