Cảnh báo nguy hiểm: 9 cơn bão mạnh hoạt động cùng một lúc trên toàn cầu

Google News

Bức ảnh vệ tinh gây choáng váng khi cho thấy siêu bão Florence được đánh giá là nguy hiểm nhất trong 60 năm chuẩn bị đổ bộ bờ Đông nước Mỹ chỉ là 1 trong số 9 cơn bão nguy hiểm đang hoạt động trên toàn cầu, vào cùng một thời điểm.

Cơ quan thời tiết Jamaica đăng bức ảnh vệ tinh lên mạng xã hội với hình ảnh của 9 cơn bão đang hoạt động cùng lúc trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. “Đây sẽ là một cuối tuần điên rồ! Hãy nhìn khu vực nhiệt đới xem” – dòng chú thích viết.
Trong bức ảnh, có thể thấy ngoài cơn bão Florence, bão Helene và bão Isaac đang di chuyển ở Đại Tây Dương trong khi bão 95L chuẩn bị va chạm với vùng Caribe. Bên cạnh đó, bão Olivia đang tiến tới Hawaii và bão nhiệt đới Paul đang tiếp cận bờ Tây của Mexico. Bão 91W, Mangkhut và 27W từ Tây Thái Bình Dương có xu hướng tiến vào Đông Nam Á.
Canh bao nguy hiem: 9 con bao manh hoat dong cung mot luc tren toan cau
9 cơn bão hoạt động cùng một lúc trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. (Ảnh: Daily Mail)  
Các chuyên gia về khí tượng cho biết việc các cơn bão hoạt động ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương xuất hiện cùng một lúc là một điều bất thường. Kể từ khi mùa bão bắt đầu, đã có 9 cơn bão được đặt tên ở Đại Tây Dương, con số cao hơn mức trung bình, chuyên gia cho biết.
Trong khi đó ở Thái Bình Dương có 15 cơn bão được xác định từ đầu mùa.
Trong số 9 cơn bão, bão Helene đang ở cấp độ 2/5 và không có nhiều khả năng đổ bộ đất liền, bão Isaac đã được hạ cấp nhưng vẫn có sức gió khoảng 96 km/h và cần theo dõi. Invest 95L có 60% khả năng trở thành bão nhiệt đới và sẽ được gọi là bão Joyce nếu trường hợp này xảy ra.
Ở phía Đông Thái Bình Dương, siêu bão Olivia duy trì sức gió 160 km/h. Bão Paul ít đe dọa hơn khi đã giảm cường độ xuống thành áp thấp nhiệt đới.
Bão 27W có khả năng trở thành bão nhiệt đới Barijat đang trên đường đến eo biển Luzon, phần nằm giữa Đài Loan và Philippines. Bên cạnh đó là siêu bão Mangkhut dự kiến đổ bộ Philippines cuối tuần này với cường độ mạnh. Bão Mangkhut có sức gió ít nhất 254 km/h và được xem là cơn bão mạnh nhất tấn công khu vực trong năm 2018.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann, Israel phát hiện ra sự thay đổi mạnh mẽ của hoạt động bão sẽ tạo ra do khoảng cách ngày càng xa mà bão có thể tích tụ sức mạnh. Họ cho rằng điều này do biến đổi khí hậu gây ra, khi không khí ấm hơn khiến những cơn gió mạnh hơn được hình thành trên tầng cao của khí quyển.
Theo VTC (nguồn: Dailly Mail)