Thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết, cùng với xu hướng gia tăng các khí ô nhiễm trong môi trường, hiện tượng sương mù quang hóa này đã và đang xuất hiện tại hầu hết các trung tâm đô thị, nhưng đặc biệt rõ nét nhất là ở Hà Nội và TP.HCM - nơi có mật độ phương tiện giao thông dày đặc, với lượng khí thải lớn.
Theo báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm sương mù quang hóa tại Việt Nam là do vấn đề ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan.
Ở khu vực Đông Nam Á, biểu hiện sương mù quang hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do cháy rừng và hoạt động đốt nương rẫy theo mùa vụ từ một số nước trong khu vực như Indonesia; ô nhiễm theo hướng gió Tây Nam từ Indonesia lan rất nhanh và gây ảnh hưởng đáng kể đến nhiều quốc gia láng giềng như Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và phía Nam Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, hiện tượng sương mù quang hóa đã xuất hiện những năm gần đây, biểu hiện rõ vào các tháng mùa Hè khi thời tiết khô nóng. Ngoài ra, các giai đoạn xảy ra nghịch nhiệt cũng tạo điều kiện để hiện tượng sương mù quang hóa xuất hiện. Hiện tượng này xuất hiện đặc biệt rõ nét nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
|
Khu vực này là nơi thi công điểm cuối tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và công trình cải tạo quốc lộ 6A. Ảnh: Lê Hiếu. |
Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số chất lượng không khí giai đoạn 2011-2015 cho thấy, tại các đô thị lớn, số ngày có thông số ô nhiễm ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình như tại đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội), số ngày trong năm 2014 có thông số ô nhiễm ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm. Thậm chí, có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại.
Theo tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, sương mù quang hóa là hiện tượng ô nhiễm không khí đặc biệt. Mặc dù ô nhiễm sương mù quang hóa ở Việt Nam không giống sự cố sương mù công nghiệp từng xảy ra ở London, Anh năm 1952 làm 10.000 người chết nhưng có thể gây ra các bệnh về hô hấp.
Hiện nay, toàn bộ miền Bắc và miền Trung Việt Nam được đánh giá là chịu tác động đáng kể từ các nguồn phát thải khu vực phía đông, đông bắc và đông nam Trung Quốc, Đài Loan. Một số kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy có sự vận chuyển các chất ô nhiễm theo gió mùa đông bắc trong mùa đông, đóng góp một lượng khí ô nhiễm và bụi mịn vào không khí miền Bắc Việt Nam.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cũng cho thấy, dù các nghiên cứu, đánh giá về các vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới ở Việt Nam còn hạn chế song một số vấn đề như lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định.
Theo Mai Mạnh/VietnamPlus