Dân chài Thụy An, xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) đã lần lượt lên bờ. Duy nhất chỉ còn bà Sen, người phụ nữ có đôi chân chưa bao giờ chạm đất vẫn lênh đênh sống đời cô độc. Người đàn bà dị tật ở làng chài Thụy An bảo chỉ có khi chết mới được lên bờ.
Làng chài Thụy An chỉ còn thưa thớt những con thuyền nhỏ. Trong số đó có con thuyền của bà Sen. Đó cũng là nhà của bà, mái ấm đơn độc tròng trành theo sóng nước. Tên họ đầy đủ của người phụ nữ này là Phan Thị Sen. Người đàn bà tật nguyền sống độc thân cả cuộc đời trên thuyền. Bà Sen người nhỏ thó, đôi chân teo tóp và quặt lại phía sau như càng cua. Để tồn tại, mọi việc bà đều phải nhờ đôi tay.
Bà Sen bảo từ đời cố ông nội đã sống cuộc đời lênh đênh trên thuyền. Từ lúc sinh ra bà chân bà Sen đã co quắp như càng cua, chỏng ngược lên trời. Cuộc đời bà Sen vừa bước qua ngưỡng nửa thế kỷ. Chừng đấy thời gian, con người tàn tật cô độc này bập bềnh theo sóng nước sông Hồng như tổ chim trôi dạt.
Tuy tàn tật nhưng bà Sen sống bằng nghề thả lưới bắt tôm cá. Lạch sông cạn dần, tôm cá ngày càng hiếm. Các bạn chài cùng thời với bà đã lên bờ mua đất, xây nhà trên bờ. Còn bà: “ Ở dưới nước còn mò được con cá. Lên bờ, tàn tật ai nuôi”.
Từ khi sinh ra lớn lên cho đến khi mái đầu đã điểm bạc, bà Sen nhớ rằng chỉ được lên bờ đôi ba lần. Đó là những lần đi khám bệnh. Bà Sen tâm sự: “Từ khi xuất ngũ, bố tôi về với sông nước, chỉ lên bờ đôi lần. Một lần đứng trong hàng ngũ cựu chiến binh của địa phương đi đón danh hiệu anh hùng cho quê hương năm 2001. Lần cuối, ông lên bờ để về cõi vĩnh hằng. Chị gái tôi cũng vậy, cả cuộc đời tật nguyền như tôi, sống lênh đênh, lần cuối lên bờ cũng về cõi vĩnh hằng. Có lẽ… tôi cũng vậy thôi”.
Bà Sen bi quan bởi 5 năm trước, bà được chuẩn đoán bị ung thư vú, vài năm trở lại đây thêm bệnh đường ruột hành hạ. Bà không còn đánh bắt tôm cá gì được nữa, ngày hai bữa chỉ nằm co ro trong khoang thuyền chịu đau.
Bà Sen hiện được hưởng trợ cấp 1 triệu đồng/tháng. Bà nhẩm tính cho chúng tôi: “700 nghìn tiền thuốc, mấy chục nghìn tiền điện. Còn lại hơn 300 nghìn mua gạo và đồ ăn”. Bữa chiều của bà chỉ mấy hạt lạc rang và rau cải luộc. Bà nói: “Cũng thèm một bữa thịt nạc nhưng như thế thì hôm sau sẽ thiếu ăn”.
Dạo trước, khi những cơn đau chưa nhiều, mỗi ngày bà còn kiếm được khoảng 20.000 đồng nhờ vớt được mớ tép. Thế nhưng, sau lần sóng to, sức yếu không thể chèo được thuyền bà đành cứ để cho sóng đánh thuyền dạt vào đâu thì dạt. “May gặp được người làng họ kéo về. Từ đó bà neo chặt thuyền và không còn đánh bắt gì nữa”, bà Sen kể.
Bà được xã Tráng Việt cấp cho hơn 70m2 đất ở, nhưng tiền thuốc thang, ăn uống còn lần hồi từng bữa còn chưa đủ nên không có tiền xây nhà. Bà bảo rằng, chỉ có khi chết bà mới lên bờ được.
Bà Sen tâm sự: “Đời khổ lắm rồi. Mong khi chết được ra đi thật nhanh và khi đó sẽ có người biết mình đã ra đi để còn hậu sự”. Bà ứa nước mắt khi nói đến việc có đất nhưng không thể lên bờ. Bệnh tật hành hạ ngày một nặng thêm, bà chỉ bức ảnh treo trên vách khoang thuyền, nói: “Tôi đã đặt người làm ảnh em rồi đấy anh ạ”.
|
Hai cánh tay chèo chống cuộc đời. |
|
Từ lúc sinh ra, đôi chân bà Sen đã bị quặt ngược lên, không thể chạm đất. |
|
Bàn chân tàn tật chưa bao giờ chạm đất. |
|
Thời gian gần đây, tay bà Sen mọc lên những khối u bất thường. Trước đó ít năm, bà được chuẩn đoán ung thư vú. |
|
51 năm qua bà sống trên con thuyền ở lạch sông Hồng thuộc địa phận xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Mọi hoạt động nấu nướng, ăn ngủ và các sinh hoạt khác đền trên con thuyền nhỏ. |
|
Bữa ăn trưa cô độc. |
|
Thức ăn chỉ có canh rau cải và mấy hạt lạc rang. |
|
Ban thờ bố mẹ được bà hương khói cẩn thận. Bà Sen bảo: "Bữa ăn có thể thiếu cái này, cái kia, những hương khói cho ông bà thì luôn đầy đủ". |
|
Bà Sen nhìn xa xăm buồn buồn nói: "Có lẽ chỉ khi chết mới được lên bờ". |
Theo Hà Phương/ Gia đình & xã hội