Hiện nay, với xu thế phát triển công nghệ thông tin (CNTT) rất nhanh và rộng rãi trên toàn cầu, công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence) giúp ích được rất nhiều trong đời sống. Tuy nhiên những kẻ xấu đã lợi dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh, giọng nói sao chép.
|
Ảnh minh hoạ. |
Từ việc chiếm đoạt tài khoản Facebook, Instagram... rồi nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch... để tạo ra những cuộc gọi giả, khuôn mặt giả và lừa tiền người thân, bạn bè của tài khoản bị tấn công qua mạng Internet (hacking), cho đến gọi điện trực tiếp cho bị hại để dựng lên những tình huống khẩn cấp cần chuyển tiền...
Điểm chung của những thủ đoạn trên đó là tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu. Người thân phạm tội bị cơ quan chức năng bắt đang cần tiền để giải quyết. Đang khó khăn trong công việc, nên cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau... Trao đổi với báo chí, chị Đ.M.L (ngụ Bình Dương) cho biết, bản thân vừa bị kẻ gian lừa chuyển tiền 10 triệu đồng. Khi chuẩn bị chuyển số tiền 10 triệu đồng tiếp theo, chị L băn khoăn nên gọi điện thoại trực tiếp cho người thân mới biết đã bị lừa.
“Tôi không hiểu vì sao họ lại biết mối quan hệ và những người thân trong gia đình tôi. Đầu tiên, kẻ lừa đảo gọi cho chủ nick Facebook là em gái tôi. Sau đó, chúng lấy hình ảnh vừa gọi cho em gái dùng thủ thuật rồi gọi cho tôi y hệt em gái đang gọi cho tôi. Thấy hình ảnh và giọng nói là của em gái nên khi nghe nói chuyển gấp cho 10 triệu đồng, tôi chuyển liền mà không chần chừ”, chị L cho hay.
Chị L nói rằng, việc đối tượng gọi video hình ảnh như chủ của nick Facebook thì nạn nhân không thể nào biết được là bản thân đang bị lừa đảo. “Hy vọng mọi người biết về chiêu thức lừa đảo này để tránh”, chị L, nói. Tương tự, anh N.V.T (ngụ Bình Dương) cho biết, bản thân cũng nằm trong số các nạn nhân bị lừa chuyển tiền như trường hợp đề cập ở trên. “Thấy nick facebook lạ gọi đến, nói giọng giống anh trai. Tuy nhiên, cuộc hội thoại rất ngắn chỉ gói gọn đại ý chuyển cho anh mượn 5 triệu đồng. Trùng hợp là sau khi đã chuyển tiền, anh trai gọi điện thoại đến hỏi thăm, tôi mới biết mình vừa bị lừa”.
Qua sự việc này, vị đại diện Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện một phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất tinh vi. Các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI), để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả người ngoài đời thực với độ chính xác rất cao, giống hệt người thân của bị hại để lừa chuyển tiền.
Các đối tượng sử dụng công nghệ này để giả giọng nói, hình ảnh người quen của bị hại trên mạng xã hội rồi tương tác với bị hại. Khi chiếm được lòng tin của các bị hại, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện các giao dịch tài chính với lý do vay tiền, chuyển tiền giúp cho con đi học,… rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trước diễn biến phức tạp, thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi video từ bạn bè, người thân với nội dung vay, mượn tiền qua ứng dụng mạng xã hội.
Người dân cần bình tĩnh gọi điện thoại trực tiếp để xác thực, không gọi điện qua ứng dụng như Zalo, Messenger (Facebook), Viber, Telegram,.... Mặt khác, người dân không đăng nhập vào đường link hoặc các website lạ do đối tượng gửi qua tin nhắn; tuyệt đối không cung cấp mã OTP hoặc thông tin cá nhân cho người khác với bất kỳ lý do nào.
>>> Xem thêm video: Mất tiền vì “sập bẫy” thủ đoạn lừa đảo tuyển người mẫu nhí
Gia Đạt