Cảnh giác với thủ đoạn lừa tiền của "shipper"

Google News

Với thủ đoạn gọi “shipper” (tạm gọi là người vận chuyển) để chuyển đơn hàng từ nơi này đến nơi khác, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của họ một cách trắng trợn.

Thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng sơ hở của các "shipper" giao hàng để thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản, tiền bạc. Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội đã chủ động tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.
Đối tượng Hùng bị CAQ Đống Đa bắt giữ. 
Trái đắng của "shipper"
Cách đây chưa lâu, CAQ Tây Hồ đã điều tra, xử lý một đối tượng đánh chủ cửa hàng vì không trả tiền vận chuyển thuê. Lý do chủ hàng bị “ăn đòn” là do có một đơn vị “nổ” địa chỉ ảo nhưng không xác minh lại kỹ càng để cho “shipper” mất công đi tìm không thấy người nhận và khi quay lại cũng không nhận được tiền từ người thuê chuyển. Đòi tiền công không được, người thanh niên nóng giận đã đánh chị chủ hàng và sau đó hai bên đưa nhau lên CAP Yên Phụ nhờ can thiệp. Tuy nhiên do chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng và được cơ quan có trách nhiệm phân tích, hai bên đã tự nguyện hòa giải; cơ quan công an chỉ lập hồ sơ và phân tích để các bên hiểu rõ trách nhiệm của họ.
Hàng trăm kiểu lừa nhằm vào "shipper" đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, do một số người đã không trình báo cơ quan công an với lý do số tiền không nhiều, chính vì thế, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục lợi dụng để hoạt động. Vào dịp cuối năm và cận Tết, nhiều đối tượng tiếp tục lợi dụng sơ hở của việc giao dịch và vận chuyển của "shipper" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền bạc.
Tại sao có thể lừa tiền được của một số "shipper"? Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội phân tích, từ việc vận chuyển hàng phải đặt cọc số tiền tương ứng khi mang hàng đi giao, các "shipper" đã “dính bẫy” lừa mất tiền oan.
Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đang điều tra, truy vết vụ đối tượng sử dụng điện thoại liên hệ, giả làm người có hàng cần "shipper" để lừa đảo. Thủ đoạn của tội phạm khi chọn địa điểm ở một quán, hoặc cửa hàng nào đó, rồi dùng sim rác gọi "shipper" đến mang hàng đi giao.
Khi "shipper" đến nhận hàng, gói hàng được bọc kín nên không biết trong đó là gì. Tuy nhiên, "shipper" phải đưa số tiền tương ứng với bọc hàng đối tượng đưa ra, sau đó vận chuyển hàng đến đích thì lấy tiền công và tiền gốc của nơi nhận.
Và khi đến nơi giao hàng, "shipper" gọi cho người nhận không được, gọi cho chủ hàng cũng... mất tăm. Với những vụ lừa đảo kiểu này, thường là đơn hàng có trị giá tiền triệu thậm chí tới hàng chục triệu đồng. Chỉ với nhữngi ví dụ nêu trên cho thấy muôn vàn cái bẫy mà các "shipper" dễ dàng dính phải nếu như không có kinh nghiệm. Trong khi đó, “bọc hàng” mà họ nhận đi giao chỉ là những mớ rẻ rách, giấy vụn không có giá trị.
Kiểm tra kỹ hàng có giá trị
Ngay sau khi nắm được thông tin phản ánh của các nạn nhân bị lừa đảo, lực lượng công an đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Qua xác minh, các trinh sát xác định và bắt giữ đối tượng Trần Đỗ Hùng (SN 1984, trú tại quận Ba Đình) để tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các "shipper". Khai nhận với cơ quan công an, Hùng cho biết đã đến một cửa hàng bán đồ thể thao trên phố Trịnh Hoài Đức đặt mua 10 đôi giày với giá 2 triệu đồng.
Sau đó, Hùng nhờ chủ cửa hàng viết tăng giá trong hóa đơn là 12 triệu đồng. Lấy cớ bận việc phải đi giải quyết, Hùng đưa trước chủ cửa hàng một triệu đồng và hẹn sẽ có người khác đến lấy hàng, đồng thời nhờ chủ hàng yêu cầu người vận chuyển thanh toán đủ tiền theo hóa đơn đã ghi tăng giá trị.
Ngay sau khi “giăng bẫy” xong, Hùng dùng điện thoai di động lên trang mạng facebook đăng tin, lựa tìm "shipper" trong nhóm “Ship tìm người, người tìm ship”. Sau khi đạt được thỏa thuận tiền công vận chuyển, anh Đỗ Đình L (SN 1987), trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội nhận lời ứng tiền, giao hàng cho khách.
Chính vì nhận hàng ở một cửa hiệu bán đồ thể thao lớn nên anh L đã không mảy may nghi ngờ và ứng nốt số tiền số ghi trong hóa đơn, rồi lập tức đi giao đến địa chỉ đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, sau một hồi tìm mãi cũng không có địa chỉ nào đúng theo giao ước và điện thoại theo số ghi trên bao bì cũng không được, anh L quay trở lại cửa hàng thì chủ cơ sở kinh doanh cho biết người kia đã đến lấy số tiền anh L vừa ứng ra. Biết bị lừa, anh L đã nhanh chóng đến trình báo tại CAQ Đống Đa.
Khai thác mở rộng điều tra, CAQ Đống Đa làm rõ bằng thủ đoạn tương tự, Hùng đã lừa đảo 4 nạn nhân khác để chiếm đoạt 33 triệu đồng.
Trước những vụ việc trên, chỉ huy CAQ Đống Đa khuyến cáo: Trước những phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, những người làm nghề vận chuyển hàng hóa thuê cần cẩn trọng kiểm tra thông tin chính xác cho mỗi đơn hàng, gồm cả hàng hóa và điện thoại liên hệ người nhận, nhất là với người thuê giao hàng gặp lần đầu.
Tuyệt đối không nhận, giao hàng tại những địa điểm công cộng nếu không phải khách quen và phải mở hàng kiểm tra, xác định lại với người được nhận để có thông tin chính xác nhất.
Trực tiếp gặp mặt chủ hàng, không qua khâu trung gian và nếu đơn hàng cần ứng số tiền lớn, nên viết giấy tờ thỏa thuận đặt một phần tiền kèm giấy tờ tùy thân. Quan trọng nhất, khi gặp phải hành vi lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời giải quyết.
Theo Đức Trí/ANTĐ