Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, về hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước là nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển sau khi Luật có hiệu lực.
Phóng viên: Những nội dung chính và những điểm mới của Luật Cảnh sát biển Việt Nam là gì, thưa Trung tướng?
|
Cảnh sát biển Việt Nam. |
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn: Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 19-11-2018 với 8 Chương, 41 Điều, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2019.
Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại Khoản 2, Điều 11 quy định: “Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam”. Đây là điểm mới về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam quy định trong Luật là hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam. Cụm từ “ngoài vùng biển Việt Nam” có thể được hiểu bao gồm: các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế).
Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rõ bảy biện pháp công tác Cảnh sát biển gồm: vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác Cảnh sát biển, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình. Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về biện pháp công tác Cảnh sát biển.
Quy định tại Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thể hiện đúng vị trí, vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển.
Đây là quy định mới, rõ ràng hơn so với Pháp lệnh năm 2008; khắc phục được bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành đang chưa có quy định về biện pháp công tác Cảnh sát biển.
Bên cạnh đó, so với Pháp lệnh, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rõ ràng hơn về hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, bố cục một mục riêng, gồm ba điều về nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc gia ven biển theo quy định của các Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Phóng viên: Thưa Trung tướng, theo Luật thì Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển, ông có thể nói rõ về việc này?
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn: Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động có liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cảnh sát biển Việt Nam đã thường xuyên sử dụng các quyền này để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản bất hợp pháp; nghiên cứu, thăm dò dầu khí, khoáng sản; buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép; buôn lậu ma túy trên biển; trấn áp cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
Vì vậy, để bảo đảm tuân thủ Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật…”, Chương 3, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong từng hoạt động như: tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự; thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; công bố cấp độ an ninh hàng hải…
Phóng viên: Luật Cảnh sát biển Việt Nam có nêu trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam, đề nghị Trung tướng nói rõ hơn về vấn đề này?.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn: Xuất phát từ đặc điểm môi trường hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trên các vùng biển rộng, có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn nên nhiều trường hợp cần có sự tham gia, phối hợp công tác, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, cá nhân, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ.
Vì vậy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã có những quy định cụ thể để bảo đảm chế độ, chính sách cho tổ chức, cá nhân hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam cụ thể trong các điều luật. Như tại Điều 6 quy định “Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam” và Điều 16 quy định về huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của Cảnh sát biển Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Theo Hạnh Quỳnh/CAND