Cảnh sát mạng kể phút đối diện ‘hacker nhí’ lừa trăm triệu

Google News

Đối diện với thiếu úy cảnh sát là hacker nhí 16 tuổi có khả năng dò mật khẩu để hack tải khoản Facebook.

Những ngày giáp Tết Đinh Dậu, hơn chục máy tính trong căn phòng nhỏ là trụ sở Đội chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin (Đội 3), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội), vẫn tanh tách tiếng gõ phím của các “trinh sát mạng”.
Thiếu úy Đoàn Sỹ Linh vừa hoàn tất hồ sơ một vụ án lừa đảo qua Facebook. Nam điều tra viên Đội 3 bảo đây là Tết đầu tiên anh trực, đón năm mới tại đơn vị.
Theo dấu nhóm 9X có “tài” dò mật khẩu tài khoản Facebook
Chuyển từ công tác hành chính sang lính công nghệ cao được hơn 2 tháng, thiếu úy Linh trực tiếp điều tra vụ án lừa đảo gần 100 triệu đồng. Nhóm nghi phạm gây án là hacker nhí tuổi 9X, đến từ các tỉnh miền Trung.
Canh sat mang ke phut doi dien ‘hacker nhi’ lua tram trieu
Cảnh sát công nghệ cao khám nghiệm tang vật vụ án. Ảnh: CTV. 
Anh kể, giữa năm 2016, đơn vị nhận trình báo của nữ bị hại ở Hà Nội, tố kẻ xấu giả danh bạn chát trên Facebook lừa chiếm đoạt gần 100 triệu đồng tiền thẻ cào điện thoại.
Nhiều ngày rà soát, Linh cùng đồng đội nhận diện được nghi phạm vụ án đã sử dụng máy tính tại tỉnh Quảng Trị để gây án. Chuyến công tác đầu tiên từ khi vào ngành, thiếu úy trẻ vượt hơn 600 km để lần dấu kẻ lừa đảo.
Nam cảnh sát 8X chia sẻ, tội phạm mạng có tính giấu mặt. Hung thủ đến điểm Internet công cộng thực hiện hành vi lừa đảo. Để lần ra danh tính kẻ gây án, lực lượng điều tra phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ.
Ngược dòng xác minh từ thông tin nhà mạng và qua hình thức kẻ gây án thanh toán online, thiếu úy cảnh sát cùng công an địa phương nhận diện 2 nghi phạm của vụ án, là Hoàng Công Minh (19 tuổi) và Nguyễn Hữu Sáng (17 tuổi), cùng ở Quảng Trị.
“Ngày đầu chưa quen với thời tiết và địa hình địa phương, mình gặp không ít khó khăn, nhưng là lính hình sự, tội phạm ở đâu thì mình đến đó”, Linh nhớ lại.
Lần đầu tiên trực tiếp ghi lời khai nghi phạm, thiếu úy bất ngờ bởi đối diện anh là 2 thiếu niên bị tình nghi vừa gây ra cú lừa gần trăm triệu đồng. Anh bảo tuổi của họ còn rất trẻ, có người đang là học sinh nhưng thường xuyên trốn học, ra quán Internet.
Đối diện “hacker nhí” lừa đảo trăm triệu đồng
Khi điều tra viên xét hỏi, Minh và Sáng liên tục chối tội. Gần 2 ngày đấu tranh, trước những lập luận và chứng cứ sắc bén của cảnh sát mạng, 2 nghi can 9X mới chịu khai là hung thủ gây án.
“Họ trẻ tuổi nhưng thủ đoạn chiếm tài khoản Facebook và lừa đảo người khác khá tinh vi”, nam điều tra viên nhận định và cho biết thêm, khi đối diện người hỏi cung, 2 thiếu niên luôn tỏ ra ngoan cố.
Canh sat mang ke phut doi dien ‘hacker nhi’ lua tram trieu-Hinh-2
 Một nhóm nghi phạm lừa đảo qua Facebook bị tạm giữ. Ảnh: CTV.
Theo lời khai của nghi phạm, đầu tháng 5/2016, Minh ra quán Internet tìm tài khoản Facebook để lừa đảo. Sau hàng chục lần dò tìm, cậu ta phá được mật khẩu tài khoản “VN Tien”.
Biết chủ Facebook này đang làm việc tại nước ngoài, Minh tìm danh sách bạn bè, thấy chị Lý Thị Chúc (Hà Nội) thường nhắn tin. Vờ là chủ tài khoản, Minh trò chuyện rồi rủ chị Chúc hợp tác bán thẻ cào điện thoại.
Tin lời, người phụ nữ mua gần 50 triệu đồng tiền thẻ, sau đó gửi mã thẻ cho Minh. Có được số thẻ cào mệnh giá lớn, Minh rủ Sáng tìm cách đổi thành tiền thật, qua tài khoản ảo.
Nhiều ngày sau, bộ đôi 9X tiếp tục đề nghị chị Chúc mua hàng chục triệu đồng tiền thẻ cào rồi gửi mã cho chúng. Sau khi đổi từ mã thẻ sang tiền thật, nhóm hacker lấy được gần 100 triệu đồng tiền mặt.
Nhớ lại quá trình ghi lời khai, thiếu úy Linh cho hay chỉ với vài động tác mò mẫm, 2 thiếu niên vô tình biết được mật khẩu tài khoản Facebook. Nhóm này chia sẻ cho nhau hàng loạt tài khoản mà chúng thu thập được, chỉ nhau cách dò mật khẩu Facebook.
Thượng úy Phạm Quốc Hưng, Phó đội trưởng Đội 3, cho biết trong các vụ án lừa đảo Facebook, thủ phạm chủ yếu ở độ tuổi 9X và đến từ các vùng nông thôn.
“Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố mẹ chỉ lo lao động nên nhóm thanh thiếu niên theo nhau ra quán Internet chơi rồi truyền cho nhau cách phạm tội. Để có tiền chơi, họ phải tìm cách lừa tiền người khác”, thượng úy Hưng bày tỏ.
Đại úy Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội 3 PC50, cảnh báo khi có tài khoản Facebook nhắn tin xin thẻ cào điện thoại hoặc nhờ chuyển tiền, người dùng Facebook cần gọi điện thoại trực tiếp để xác tín.
Ngoài ra, để tránh bị chiếm đoạt tài khoản, chủ Facebook không nên đưa thông tin cá nhân lên mạng. Nếu có, chỉ nên đưa các thông tin ảo, không đưa chuyện đời tư lên Facebook.
Người sử dụng Facebook không nên đặt mật khẩu tài khoản giống thông tin cá nhân hoặc những con số dễ nhớ như ngày sinh, số điện thoại.

Theo Hoàng Lam/Zing