Cao ốc Việt Nam xây dựng có tính đến kháng chấn động đất?

Google News

Từ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, dư luận đặt đâu hỏi: Việt Nam có nên rà soát chung cư cũ và cao ốc mới, điều chỉnh lại quy định để giảm thiệt hại, nếu động đất xảy ra?

Hơn 46.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 richter ngày 6/2, hơn 12.000 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do nền đất yếu và kết cấu công trình yếu, không đảm bảo các yêu cầu kháng chấn.
Nhiều ý kiến băn khoăn, các cao ốc ở Việt Nam khi xây dựng đã tính đến các yêu cầu về kháng chấn để ứng phó với động đất?
PV Tri thức và Cuộc sống đã trao đổi với PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng; TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam xung quanh vấn đề trên.
Cao oc Viet Nam xay dung co tinh den khang chan dong dat?
Ngôi nhà cao tầng ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, sụp đổ sau trận động đất. Ảnh Anadolu
Động đất không thể tránh, nhưng có thể giảm nhẹ thiệt hại
Dù Việt Nam ít có nguy cơ xảy ra động đất lớn, nhưng chúng ta có cần những nghiên cứu sâu và thường xuyên đánh giá nguy hiểm để ứng phó?
TS Nguyễn Xuân Anh: Động đất được phân loại theo độ lớn từ 5-6 là động đất trung bình, từ 6-7 là động đất mạnh, từ 7-8 là động đất lớn và từ 8-9 là động đất hủy diệt. Trong lịch sử, Việt Nam cũng có những trận động đất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với độ lớn 6,75 xảy ra trên đới đứt gãy sông Mã hay trận động đất Tuần Giáo (năm 1983), với độ lớn 6,8 xảy ra trên đới đứt gãy Sơn La. Cho thấy, nước ta động đất không lớn, không mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng có những trận động đất mạnh đến gần 7 độ richter xảy ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, trước những nguy cơ như vậy, cần phải thực hiện những giải pháp cho hợp lý để đảm bảo an toàn như công trình, nhà cửa... Động đất không thể tránh, nhưng có thể giảm nhẹ thiệt hại khi động đất lớn xảy ra. Trong đó, cần phải duy trì mạng trạm quốc gia quan sát động đất để có số liệu về hoạt động động đất chi tiết nhất có thể.
Đồng thời, cần có chương trình định kỳ vài năm một lần cập nhật về nguy hiểm động đất và đánh giá rủi ro do động đất trên quy mô cả nước, trong đó chi tiết hơn cho các khu vực đô thị, đông dân cư, công trình trọng điểm có khả năng bị ảnh hưởng của động đất. Việc cập nhật này sẽ cung cấp số liệu đầu vào cho các cơ quan quản lý ban hành các quy định, tiêu chuẩn kháng chấn phù hợp cho các công trình xây dựng…
Cao oc Viet Nam xay dung co tinh den khang chan dong dat?-Hinh-2
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu 

Hơn 46.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria thiệt mạng

Sáng 6/2, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã làm rung chuyển một khu vực rộng lớn giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Theo số liệu thống kê chính thức, tính đến ngày 18/2, số người thiệt mạng do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là 46.442 người, trong đó, riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 40.642 người. Tối ngày 20/2, hai trận động đất mạnh 6,4 và 5,8 độ richter xảy ra ở tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria. Động đất kép này cũng khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 213 người bị thương, một số tòa nhà bị sập.

Các tòa nhà cao tầng ở Thổ Nhĩ Kỳ sập đổ cho thấy việc xây dựng “quên” tiêu chuẩn kháng chấn động đất?
PGS.TS Cao Đình Triều: Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ 7,8 độ richter là rất mạnh. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những quốc gia hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới vì nằm trên mảng Anatolian, giữa hai đường đứt gãy lớn. Hầu hết các thành phố hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những thành phố nằm trên các đường đứt gãy lớn, đều có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng, đảm bảo các tòa nhà không dễ sụp đổ khi động đất.
Tại Istanbul, hầu hết các tòa nhà cao tầng được thiết kế để chống chọi với động đất. Nhưng Gaziantep - thành phố nằm gần tâm của trận động đất sáng 6/2 thì khác. Gaziantep không hiện đại như Istanbul và nhiều tòa chung cư không được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn kháng chấn động đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà cao tầng đổ sụp.
Cao oc Viet Nam xay dung co tinh den khang chan dong dat?-Hinh-3
PGS.TS Cao Đình Triều 
Hơn 12.000 tòa nhà “sập như giấy”
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 12.141 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng trong động đất. Phần lớn nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do bị chôn vùi khi nhà sập. Nhiều chuyên gia, học giả và người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các tòa nhà kém chất lượng đã khiến thiệt hại trong thảm họa thêm trầm trọng. Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua cho biết, 134 người đang bị điều tra về vai trò trong quá trình xây dựng những tòa nhà bị sập do động đất, trong đó hơn 100 người đã bị bắt.
Nên xem xét điều chỉnh… để tăng độ an toàn
Nhìn nhận về cao ốc mọc lên “như nấm sau mưa” hiện nay ở Việt Nam, chuyên gia thấy điều gì?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Thực tế các yêu cầu về kháng chấn khi xây dựng công trình, Việt Nam đã triển khai từ lâu. Tất cả các giải pháp kết cấu của các công trình, nhất là công trình cao tầng, nhà cao ốc đều đã có tính toán như việc yêu cầu đảm bảo tối đa là 6 độ richter. Khi kiểm tra, tính toán lại các hệ thống, kết cấu đều đảm bảo yêu cầu này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là địa chất luôn có sự thay đổi. Hiện chúng ta đã đảm bảo an toàn ở mức độ động đất thấp. Bây giờ có nên xem xét điều chỉnh lại bằng những quy định mới để tăng độ an toàn hay không? Chúng ta đã xây dựng rất nhiều công trình cao tầng, từ những năm 2000 đến 2005 có khoảng 60 nhà cao tầng nhưng đến nay đã hơn 700 công trình cao tầng. Vậy có nên rà soát lại các chung cư cũ và cả công trình cao tầng mới xây dựng?
Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lời cảnh báo, nhưng cũng không nên quá lo lắng bởi trong tính toán công trình cao tầng, chúng ta đã có tính đến điều kiện, khả năng tối đa mà các khu vực như Hà Nội hay các tỉnh đồng bằng… chịu đựng được. Tuy nhiên, do thay đổi dữ dội như thế này, đến lúc phải cân nhắc lại một cách khoa học hơn để đảm bảo an toàn của người dân.
Cao oc Viet Nam xay dung co tinh den khang chan dong dat?-Hinh-4
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam 
Việt Nam nên có Luật về Động đất?
PGS.TS Cao Đình Triều: Việt Nam chưa có luật về động đất nên các quy định chặt chẽ về yếu tố kháng chấn trong xây dựng công trình nói chung và công trình cao tầng hiện còn đang rất rời rạc, chưa có gì chặt chẽ. Các công trình của Nhà nước, công trình cao tầng vẫn có quy định. Thực tế yêu cầu về khoa học là rất cần thiết phải có những quy định chặt chẽ, thậm chí phải tính toán chi tiết. Hiện chúng ta cũng có quy định nhưng chỉ chung chung.
Các nước như Nhật Bản, Đài Loan,Trung Quốc hay Philippin là những nơi thường xuyên có động đất do nằm trên vành đai Tây Thái Bình Dương, nhưng họ có những quy định rất nghiêm ngặt về xây dựng các công trình nhà ở, nhà cao tầng. Các công trình phải đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn để ứng phó với động đất. Do vậy dù xảy ra động đất thường xuyên cũng không gây thiệt hại nặng nề về người.
Ví như Trung Quốc quy định rất chặt chẽ vì họ có Luật động đất còn mình chưa có. Việt Nam động đất không mạnh lắm, nhưng thực tế Tây Bắc đã có trận động đất 6,7 độ richter cũng rất mạnh. Khi đó miền núi đa số là nhà gỗ nên sự phá hủy cũng ít. Tuy nhiên, trận động đất của Điện Biên, khi đó đã có nhà 3, 4 tầng, những hình ảnh cho thấy sự phá hủy cũng rất mạnh. Thời gian tới, Việt Nam nên có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn kháng chấn phù hợp cho các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn.

Động đất có cảnh báo sớm được không?

Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm khu vực có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó, chứ không thể đưa ra thông tin chính xác thời điểm nào xảy động đất. Từ thông tin cảnh báo khu vực có thể xảy ra động đất ở độ lớn nào đó, chính quyền địa phương và người dân sẽ xây dựng các công trình như thủy điện, nhà ở... có khả năng chống chịu với độ lớn của động đất từ thông tin cảnh báo.

Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem thêm video Thổ Nhĩ Kỳ: Bóng bay đỏ tưởng nhớ trẻ em thiệt mạng do động đất
  
Hải Ninh (thực hiện)