Sinh ra trong một gia đình có ông nội là người giàu có, sở hữu căn biệt thự kiểu Pháp to đẹp nhất nhì làng Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam nửa đầu thế kỷ trước, ông Phạm Khắc Tiệp (SN 1949) đã từng trải qua những cái Tết đáng nhớ.
|
Căn biệt thự được ông nội của ông Tiệp xây dựng từ năm 1930. |
Trong trí nhớ của ông Tiệp, những năm 50 và nửa đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều người dân quê ông đói nghèo.
Ngày thường, họ chỉ khao khát một bữa cơm trắng (không độn ngô khoai), còn ngày Tết chỉ mong có miếng thịt mỏng như lá lúa.
Thế nhưng, ở gia đình ông Tiệp, khoảng 20 tháng Chạp, bà nội và mẹ ông đã đi chợ sắm dần đồ khô như măng, miến rồi mang khuôn gỗ (dùng gói bánh), nẹp tre (dùng bó giò), cối đá ra lau rửa.
“Không khí Tết bắt đầu từ đó nên chúng tôi háo hức lắm. Mấy chị em cứ ra cổng ngóng bà đi chợ về. Vì đi chợ Tết, thế nào bà cũng mua cho mỗi người một dóng mía. Còn ngày thường, bà chỉ mua ít bỏng ngô”, ông Tiệp nhớ lại.
Chừng 26 Tết, nhà ông như có hội. “Ông bà tôi đụng lợn. Miếng lợn nạc được xẻ ra, còn nóng hổi đã cho vào cối đá. Hai người đàn ông khỏe mạnh nhất nhà sẽ được giao nhiệm vụ giã thịt”, ông Tiệp nói tiếp.
Miếng thịt sau khi giã nát được mang đi gói rồi luộc thành giò, chả. Còn phụ nữ trong nhà sẽ chuẩn bị gạo đỗ và rửa lá dong gói bánh chưng.
“Các chị của tôi lớn hơn nên phải rửa lá dong, sau đó lau dọn nhà cửa, cốc chén. Ngôi nhà ông nội tôi làm gồm hai tầng, rộng 48m2. Toàn bộ sàn nhà, cửa sổ, cửa ra vào, cầu thang và ốp trần bằng gỗ nên ngày Tết phải lau sạch sẽ.
Phần ban công, cửa thông gió được đục đẽo cũng phải lau chùi cẩn thận tuy nhiên phần việc này khó nên sau khi sắm sửa chậu hoa, cây cảnh, bố hoặc ông nội tôi sẽ đảm nhiệm.
Còn tôi, vì tuổi còn nhỏ nên được miễn mọi việc. Tôi cứ chạy quanh nhà, nô đùa thích thú”, người đàn ông sinh năm 1949 nhớ lại tuổi thơ.
|
Ông Phạm Khắc Tiệp (SN 1949) hồi tưởng về Tết xưa. |
Theo ông Tiệp, chính vì ông bà nội là những thương gia giàu có nên so với những đứa trẻ cùng trang lứa, ông lúc nào cũng rủng rỉnh và tươm tất.
“Ngày Tết, nhiều trẻ trong làng chỉ có manh áo ít rách và chiếc quần vá chằng vá đụp, tôi thì khác vì bố mẹ luôn chuẩn bị quần áo mới cho tôi. Tết đến, nhà tôi cũng không thiếu đồ ăn. Mâm cơm nhà tôi có hàng chục món, nào cá, nào thịt gà, nào giò thủ, giò nạc, bánh chưng, chè kho, nem... Nhưng thích nhất ngày Tết vẫn là được nhận tiền mừng tuổi”, ông Tiệp kể.
Theo trí nhớ ông Tiệp, sáng mùng 1 thức dậy, đám con cháu trong nhà ông sẽ xếp hàng để chúc Tết ông bà, bố mẹ. Sau đó, ông bà sẽ mừng tuổi và gửi lời chúc đến từng cháu.
“Năm đó, tôi khoảng 6, 7 tuổi, ngoài tiền mừng tuổi của ông bà, tôi nhận được khá nhiều tiền mừng tuổi từ những vị khách giàu có. Tôi cứ nghĩ, sau Tết, bố mẹ sẽ thu lại khoản tiền này. Thế nhưng mẹ tôi nói, tôi đã lớn nên được cầm toàn bộ tiền mừng tuổi của mình. Với số tiền đó, tôi có thể tự mua sắm những thứ mình thích.
Ra Giêng, tôi cầm tiền đi mua vài món đồ chơi. Nhóm bạn đi theo cứ xuýt xoa, ngưỡng mộ”, ông Tiệp cười nói. Đó cũng là năm đầu tiên, ông được coi là “người lớn”, được làm chủ quyết định của mình.
Tính đến bây giờ, nhiều cái Tết đã trôi qua, có những cái Tết đủ đầy hơn và cũng có những cái Tết khó khăn hơn 50 năm về trước. Thế nhưng, với ông Tiệp, những kỷ niệm đón Tết thời thơ ấu vẫn luôn khiến ông bồi hồi.
“Có lẽ vì già rồi, người ta lại thích hoài niệm chăng?”, ông cười và giải thích.
Theo Minh Anh – Lê Tùng/Việt Nam Net