Cầu kính dài hơn 220m không phép ở Thung lũng Tình yêu: Sao giờ mới phạt?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của UBND phường 8 và TP Đà Lạt (Lâm Đồng) khi để công trình không phép cầu treo đáy kính dài 220 mét ở thung lũng Tình yêu của Công ty Thành Thành Công Lâm Đồng gần hoàn thiện mới xử lý?

Chưa có giấy phép xây dựng nhưng Công ty CP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng vẫn tiến hành thi công xây dựng cầu treo đáy kính tại khu vực Tiểu khu 144B nằm giữa Khu du lịch Thung Lũng Tình yêu và Đồi Mộng mơ, cạnh đường Mai Anh Đào.
Vụ việc này đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng trên. Dù mới đây, UBND TP Đà Lạt đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng, do ông Trần Mến làm Chủ tịch HĐQT công ty với số tiền 40 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.
Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này trong vòng 60 ngày phải khắc phục hậu quả. Trước mắt, ngưng thi công công trình; lập thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép, hoặc sau khi được cấp phép xây dựng phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp theo giấy phép xây dựng và nội dung thiết kế đã được phê duyệt.
Trước đó, ít ngày UBND Phường 8 đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình và có tờ trình trình UBND TP Đà Lạt đề xuất xử phạt hành chính.
Cau kinh dai hon 220m khong phep o Thung lung Tinh yeu: Sao gio moi phat?
Dễ dàng quan sát và phát hiện công trình cầu treo đáy kính không phép nhưng chính quyền địa phương đã không kịp thời ngăn chặn xử lý. Ảnh; Báo Lâm Đồng. 
Tuy nhiên những động thái của các cấp chính quyền trong việc xử lý sai phạm trên được cho là quá chậm khi các quyết định đình chỉ, xử phạt hành chính hành vi xây dựng không phép diễn ra sau khi Công ty CP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng đã thi công nhiều hạng mục công trình gồm 2 mố neo 10x15 mét, cao 10 mét; 2 trụ đỡ có kích thước 8x8 mét, cao 20 và 28 mét (hiện đang kéo dây neo và kéo dây đáy kính với chiều dài 221,5m, rộng 2,09m).
Chủ đầu tư còn cho lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ rộng 8 mét, dài 20 mét, cao 4 mét. Thậm chí, chủ đầu tư đã có hành vi phá rừng trái phép khi tự ý cho chặt hạ 6 cây thông ba lá có đường kính từ 20 - 35 cm, cao 10 m, trên diện tích 270 m2 rừng phòng hộ.
Đáng chú ý, công trình trên nằm ngay sát đường dễ quan sát nhưng chính quyền địa phương đã không ngăn chặn kịp thời, để công trình gần hoàn thành mới tiến hành xử lý.
Việc chậm trễ này khiến dư luận đặt ra câu hỏi tại sao khi công trình gần hoàn thiện, chính quyền địa phương mới biết để xử phạt? Như vậy, có phải cơ quan quản lý quá tắc trách hay do "mâu thuẫn nội bộ" gì đó, vụ việc mới bị khui ra và trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan ra sao trong vụ việc này?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, việc xây dựng cầu đáy kính 7D dài 220m tại Lâm Đồng của Công ty CP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng làm chủ đầu tư mà không có giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật xây dựng.
Tại điều 89 Luật xây dựng năm 2014 quy định, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Tuy nhiên công trình nói trên không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Do vậy, công trình này cần phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 59/2015/NĐ. Do đó, chủ đầu tư Công ty CP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng phải có trách nhiệm lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng, xin giấy phép xây dựng.
Việc thiếu các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu nêu trên mà doanh nghiệp đã tiến hành thi công sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng ( theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 15 nghị định 139/2017).
Nói về trách nhiệm của địa phương, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, công trình trên không thể chỉ xây dựng trong một đêm là xong mà diễn ra nhiều ngày tại vị trí dễ quan sát và phát hiện.
Thời điểm các cấp chính quyền địa phương vào cuộc xử lý, về cơ bản công trình đã được xây dựng vững chắc nhưng lại tiến hành công khai trong khi không có giấy phép xây dựng.
Cau kinh dai hon 220m khong phep o Thung lung Tinh yeu: Sao gio moi phat?-Hinh-2
 Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. 
Việc xây dựng công trình công khai như vậy nhưng lại không có động thái kịp thời của cán bộ quản lý tại địa phương thì cần phải làm rõ trách nhiệm? Nếu chính quyền địa phương và người có trách nhiệm liên quan có các hành vi như bao che hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý thuộc trách nhiệm của mình thì tùy vào từng hành vi cụ thể sẽ có các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
“Hiện nay những quy định về xây dựng được quy định rất rõ ràng cụ thể, có đầy đủ căn cứ pháp lý để xử lý đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng bằng hình thức xử phạt hành chính vào buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Pháp luật cũng quy định chức năng, nhiệm vụ cả một bộ máy để quản lý trật tự xây dựng từ UBND xã phường đến quận, huyện, thành phố. Tuy nhiên, công trình trên được xây dựng không phép trong một thời gian dài mà chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan không ngăn chặn kịp thời đã thể hiện sự buông lỏng quản lý, không làm hết trách nhiệm của mình. Chính quyền đã ở đâu trong những tháng ngày doanh nghiệp xây dựng công trình không phép trên?
Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc để công trình xây dựng không phép ngang nhiên được thi công mà không bị xử lý kịp thời”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Phù phép công trình, chủ cầu kính Thung lũng tình yêu nhận án:

Nguồn VTC 1.

Tâm Đức