Mới đây, trên chuyến bay VN1463, chuẩn bị khởi hành từ sân bay Chu Lai - Quảng Nam tới Tân Sơn Nhất – TP HCM. Tuy nhiên, khi tiếp viên chuyến bay đang làm thủ tục đón khách trên máy bay thì nhận được thông tin có một
nữ hành khách đang gây gổ, chửi bới trên máy bay.
|
Một nữ hành khách khi được yêu cầu dựng thẳng lưng ghế đã quay lại chửi bới, lăng mạ người yêu cầu, đồng thời chửi bới cả tiếp viên trưởng của chuyến bay. (Ảnh minh hoạ)
|
Nguyên nhân sau đó được xác nhận là do hành khách ngồi dưới có yêu cầu hành khách ngồi trên dựng thẳng lưng ghế máy bay. Không những không dựng, nữ khách ngồi phía trên còn quay lại chửi bới, mạt sát người ngồi dưới.
Đáng nói, khi tiếp viên trưởng chuyến bay tới để giải quyết vụ việc, nữ hành khách này tiếp dùng những lời lẽ thô tục để xúc phạm tiếp viên hàng không. Bất chấp nỗ lực yêu cầu trật tự để đảm bảo an toàn chuẩn bị khởi hành, nữ hành khách vẫn tiếp tục chửi bới ảnh hưởng đến các hành khách ngồi gần.
Sau đó, cơ trưởng chuyến bay đã ra quyết định cắt khách và đề nghị an ninh hỗ trợ đưa nữ hành khách này cùng một nam hành khách xuống máy bay, bàn giao cho nhà chức trách hàng không tại sân bay Chu Lai xử lý theo quy định. Còn chuyến bay vì thế đã khởi hành chậm 30 phút so với giờ dự kiến cất cánh.
Trao đổi với
PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, để đảo đảm an ninh hàng không là nhiệm vụ quan trọng của nhà nước, chính phủ và ngành hàng không dân dụng Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng của con người, tài sản trong hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ tàu bay và công trình, trang bị, thiết bị tại cảng hàng không, sân bay, đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn hoạt động hàng không dân dụng.
|
Luật sư Diệp Năng Bình.
|
Do đó các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp, quy trình, thủ tục an ninh hàng không được áp dụng phải đảm bảo an ninh tối đa cho mọi hoạt động hàng không dân dụng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng không.
Công tác bảo đảm an ninh hàng không là trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng. Vì thế các sự cố, hành vi vi phạm quy định về an ninh hàng không như gây rối, kích động làm mất an ninh, trật tự trên tàu bay phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Theo luật sư Bình, căn cứ tại điểm d, khoản 5 điều 26 Nghị định 162 năm 2018 thì phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, căn cứ điều 18 Nghị định 92 năm 2015 về an ninh hàng không thì cấm vận chuyển có thời hạn từ 3 đến 12 tháng đối với các đối tượng gây rối, không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay, cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng, sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay, có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay.
>>> Xem thêm video: Nữ hành khách "đại náo" sân bay Tân Sơn Nhất.
Tống Bao