Ít ai biết rằng, Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Xuân Nha (Vân Hồ - Sơn La) từng được người bản địa gọi với cái tên “rừng chim thú”. Bởi, chim và các loại thú quý hiếm như hổ, gấu, vượn, khỉ hay bò tót nơi đây nhiều vô kể.
Những câu chuyện về hổ ăn thịt người, rồi tay không giết lợn lòi, khuất phục gấu dữ... từng diễn ra ở đây. 8 giờ tối, người dân quanh rừng chim thú Xuân Nha đã cửa đóng then cài. Nhà nhà bảo nhau tắt đèn, đóng cửa. Trong màn đêm, họ luôn bị ám ảnh bởi “ông ba mươi”.
Họ bảo, "ông ba mươi" một đêm đi 9 bản, một tuần đi 9 xã. Kể chuyện hổ dữ về bản ăn thịt người, dù đã nhiều năm nhưng trong ánh mắt của họ vẫn in hằn nỗi sợ hãi.
|
Một góc rừng Xuân Nha. |
Hổ nuốt mất mẹ rồi
Đường vào KBT Xuân Nha giờ được trải nhựa phẳng lì, dù còn ít đoạn bùn trộn đất đá do sạt lở. Trong kí ức của ông Bàn Văn Quang, Phó hạt trưởng KBT thì chỉ khoảng vài chục năm trước, đây vẫn là vùng rừng núi hoang sơ.
Từ thị trấn Mộc Châu đi vào toàn là đường đất. Nơi trụ sở của Hạt Kiểm lâm đóng chân trước đây thuộc nông lâm trường chứ… chưa lên xã. 8 giờ tối, cả bản không ai bảo ai, cửa nhà đều đóng kín như bưng, một ánh đèn dầu leo lét cũng không còn. Quá giờ này, ai còn lảng vảng ngoài đường thì chắc gan bằng trời. Một tiếng hổ gầm rung chuyển cả núi rừng.
Xưa ở rừng chim thú, chuyện hổ ăn thịt người không hiếm. Nhưng không một ai nhớ tên người mất cũng như ngày tháng năm nào. Một phần, chuyện đã quá lâu. Một phần, đó là kí ức của nỗi đau và sự sợ hãi. Thực sự, không ai muốn nhớ.
|
Sừng, xương sọ nai, chiến lợi phẩm một thời săn bắn của người dân ở Xuân Nha.
|
Anh Vi Văn Thiệp, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Xuân Nha rùng mình kể lại câu chuyện cụ nội của anh bị hổ dữ ăn thịt. Anh nghe được qua lời kể của ông nội.
Hôm đó, bà đi vào rừng lấy củi như thường ngày. Đi cùng là ông nội anh và một người em trai khi đó chừng 10 tuổi. Bỗng từ bụi rậm, một con hổ xuất hiện, nhằm người phụ nữ gầy gò đang lấy củi mà tấn công.
Chỉ trong chớp mắt, con hổ biến mất, tha luôn người phụ nữ xấu số vào rừng sâu. Hai anh em không hiểu chuyện gì xảy ra, băng rừng đuổi theo hổ dữ. Lát sau thì đuổi kịp. Con hổ đứng giữa khoảng đất trống, miệng ngậm chặt xác người mẹ.
Hai anh em không chút nghĩ suy lao vào kéo mẹ khỏi miệng hổ dữ. Con hổ ghì chặt, quyết không buông.
“Nó giận dữ, phì một cái thật mạnh. Máu từ miệng con hổ bắn ướt hết người hai ông. Hai ông bị mất đà ngã ngửa ra sau. Sau đó chạy quay lại bản báo mọi người trong nhà. Con ngựa nó nuốt mất mẹ rồi, hai ông khi đó còn nhỏ nên không biết đó là con hổ”, anh Thiệp kể lại.
Cả bản, người cầm gậy, người cầm súng kíp, dao quắm chạy theo hai anh em vào rừng. Tới nơi, "ông ba mươi" đã bỏ đi. Trên nền đất, máu vương vãi khắp nơi. Mọi người nhặt được một mảnh váy, một vòng bạc đeo tay của người xấu số.
Cũng từ đó trở đi, không ai trong bản dám bén mảng đến khu vực đó lấy củi nữa. Thỉnh thoảng, nghe tiếng gầm từ khoảng rừng xa vọng lại, ai nấy đều giật mình thảng thốt.
Chuyện không xa xôi, đầu năm nay, người dân ở cánh rừng Xuân Nha khu vực xã Lóng Sập lại được một phiên kinh hồn bạt vía vì được "ông ba mươi" ghé thăm.
Một lần nghe tiếng hổ gầm chắc cả đời không thể quên nổi. Ông Bàn Văn Quang cho biết, tại Lóng Sập, dấu vết của hổ đã được ghi nhận đầu năm nay. Quanh khu vực ruộng gần nhà dân có nhiều vết chân hổ to như cái ấm chuyên.
Nhưng mọi người mới chỉ nghe tiếng gầm như chưa ai được giáp mặt. Không nhìn thấy, nhưng ai nấy bảo nhau, đêm tối hạn chế ra ngoài, tránh chuyện không may.
Người hùng bản Ngà
Hổ ăn thịt các loài động vật khác, đó là lẽ tự nhiên. Lợn khổng lồ đuổi giết hổ thì có lẽ là chuyện xưa nay hiếm.
Chúng tôi tình cờ gặp ông Vi Văn Thướng (60 tuổi). Người dân bản Ngà gọi ông là người hùng. Hỏi chuyện ông Thướng giết lợn khổng lồ, người dân bản Ngà và cả cánh rừng Xuân Nha đều kể rành rọt như chuyện của mình.
Sớm tinh mơ, khi những làn hơi sương còn chưa tan, Vi Văn Thướng khi đó mới 15 tuổi đã vào con suối Quanh tận rừng sâu bắt cá. Khi chiếc giỏ đã lưng lửng cá, Thướng ngồi nghỉ trên tảng đá ven suối.
|
Người hùng bản Ngà Vi Văn Thướng. |
Gràooooo… Tiếng hổ gầm lên giận dữ. Thướng đảo mắt nhìn. Hổ dữ phi thân từ bụi rậm tấn công một con lợn lòi đen trùi trũi đang lững thững kiếm ăn ngày bờ suối.
Con lợn lòi to không kém "ông ba mươi" là mấy, cặp răng nanh sáng bóng, quặp vào nhau như chiếc gọng kìm. Sau cú táp hụt của hổ dữ, con lợn quay vòng, lao vào chiến đấu với chúa sơn lâm.
Trận chiến giữa hai mãnh thú rừng xanh diễn ra khoảng nửa tiếng. Bãi đất đá ven suối bị hai con vật cày nát như vừa có lũ ống quét qua.
Thướng núp sau tảng đá, tim đập thình thình, đôi mắt không dám chớp. Thật bất ngờ, chiến thắng không thuộc về con vật vốn được mệnh danh là chúa tể của muôn loài. Con hổ có vẻ bị thương nặng hơn, lầm lũi quay trở lại rừng.
Tưởng mọi chuyện đã xong, Thướng nhổm dậy, bất chợt bị con lợn nhìn thấy. Kẻ chiến thắng đang hăng tiết, mài mạnh móng chân xuống đấy, lao thẳng về phía Thướng.
“Tôi vội vàng nhảy xuống suối, vứt cả giỏ cá mà chạy nhưng không kịp. Tôi liền rút con dao đeo bên hông tấn công lại con lợn”, ông Thướng dùng con dao nhỏ huơ huơ thuật lại động tác đánh nhau với lợn lòi.
Người – lợn vật nhau hồi lâu. Con lợn bị thương, máu me ướt đầm nên càng hăng máu. Thướng luồn người xuống dưới, siết chặt cổ con lợn, hòng tránh đôi nanh sắc lẹm. Con lợn bị ghì chặt liền dùng hai chân trước đạp mạnh vào bụng, vào lưng Thướng.
|
Vết cắn của con lợn lòi. |
Móng vuốt của con vật cắm mạnh bụng Thướng. Máu tuôn ra. Chàng thiếu niên tuột tay. Con vật được đà lao tới cắn mạnh vào tay phải, đoạn giữa khuỷu tay Thướng. Máu từ lưng, bụng thấm đỏ quần áo.
“Con lợn nặng hai tạ rưỡi, da nó dày và cứng như đá, tôi đâm nhiều nhát vào người nó mà nảy cả dao. Biết cứ vật lộn thế này kiểu gì mình cũng chết nên tôi nhằm điểm yếu của nó mà đâm”, ông Thướng nhớ lại.
Thướng chờ lúc con lợn sơ hở, lao đến đâm một nhát thật mạnh vào mang tai. Lưỡi dao cắm mạnh, xuyên qua hàm con lợn. Con lợn rống lên thảm thiết rồi đổ vật xuống lòng suối, nước bắn tung tóe.
Thướng loạng choạng bò lên bờ, lột chiếc áo trên người quấn ngang bụng để cầm máu. Không hiểu bằng cách nào, Thướng đi thêm gần chục cây số đường rừng để quay về bản báo tin. Cũng lúc đó, chàng thiếu niên 15 tuổi ngã quỵ.
|
Suối Quanh, nơi diễn ra trận chiến giữa hổ, lợn lòi và ông Thướng. |
Thầy lang đến nhà băng bó, cho Thướng uống thuốc. Ba tuần sau, Thướng mới tỉnh dậy, khắp người vẫn băng bó.
“Tôi nghe mọi người kể lại, hôm sau cả bản vào rừng khiêng con lợn về làm thịt chia nhau. Con lợn nặng chừng hai tạ rưỡi, riêng cái đầu cân được 25 cân. Chắc nó là lợn thành tinh rồi. Có cho chắc tôi cũng chẳng dám ăn đâu”, ông Thướng kể.
Sau lần đó, Thướng vẫn vào rừng lấy củi, bắt cá. Một lần nhìn thấy con gấu ngựa, ông cắm cổ chạy một mạch về bản, đầu không dám ngoảnh lại. “Giờ ông còn đủ sức vật con lợn to như vậy không?”, chúng tôi hỏi vui. “Không đủ sức đâu, giờ gặp nó thì chỉ có chết thôi”, ông Thướng lắc đầu...
Theo Nông Nghiệp Việt Nam