Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Không có án oan người không có tội

Google News

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: "Trong cả nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội" tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sáng 25/3.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, nhưng trong nhiệm kỳ qua, các Tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Chanh an TAND toi cao Nguyen Hoa Binh: Khong co an oan nguoi khong co toi
 Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình
Thống kê cho thấy, hệ thống Tòa án nhân dân đã thụ lý trên 2,43 triệu vụ việc, đã giải quyết đạt tỷ lệ 97,6% (giải quyết tăng 594.573 vụ việc so với nhiệm kỳ trước). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt, đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; đã giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Đánh giá về việc xét xử các vụ án hình sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đều bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
"Trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật", Chánh án khẳng định.
Đáng chú ý, việc tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Theo ông Bình, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Việc xét xử cho thấy sự nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng đã được áp dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Người đứng đầu ngành Tòa án cũng cho biết, với tinh thần cải cách tư pháp theo hướng công tác xét xử phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, các Thẩm phán đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, ghi nhận tất cả các vấn đề tranh tụng và căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết.
"Những kiến nghị của Tòa án không chỉ khắc phục sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn khắc phục sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô và thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, chính vì vậy chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Đề cập đến việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa tối cao cho biết, các Tòa án trong toàn quốc đã thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả và đến nay dần đi vào nề nếp với chất lượng các bản án ngày càng tốt hơn.
"Đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định trên Internet, thu hút sự quan tâm của nhân dân với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 22 triệu lượt người và hàng chục triệu ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định, qua đó đề cao trách nhiệm của Thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động tư pháp", ông Bình thông tin.
Nhìn nhận còn một số hạn chế, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói nguyên nhân là do số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Nhiều điểm mới trong công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Nguồn: VTC1


Hiểu Lam