Chánh thanh tra xây nhà sai phạm 7 năm: Q.10 không “thẳng tay” trị vì sao?

Google News

(Kiến Thức) - Chánh thanh tra xây dựng Q.10 xây nhà sai phạm 7 năm qua nhưng gần đây mới bị cách chức, buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm. Việc để tồn tại công trình vi phạm trong suốt thời gian dài có trách nhiệm của UBND phường 3, UBND quận 10 và các cơ quan liên quan.

UBND quận 10 (TP HCM) vừa cách chức Chánh Thanh tra xây dựng quận đối với ông Trần Văn Hưởng do có vi phạm khi bản thân ông này được cấp phép xây nhà 4 tầng nhưng đã xây thêm 3 tầng trái phép với tổng diện tích hơn 200 m2. Đồng thời, UBND quận 10 cũng ra quyết định cưỡng chế phần sai phạm tại công trình trên.
Cùng với việc cách chức đối với ông Hưởng, UBND quận 10 cũng phê bình phó phòng quản lý đô thị và kỷ luật khiển trách cán bộ phụ trách công tác tham mưu.
Đáng chú ý, công trình vi phạm của ông Hưởng tại địa chỉ 41/7 Sư Vạn Hạnh, phường 3, quận 10, tồn tại từ năm 2012, UBND quận 10 đã hai lần ra quyết định xử lý vi phạm, buộc tháo dỡ phần xây sai phép nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
Dư luận đặt câu hỏi, công trình vi phạm trên đã tồn tại nhiều năm qua nhưng UBND quận 10 và các cơ quan chức năng quận này đã không kiên quyết cưỡng chế xử lý, để công trình tồn tại thách thức pháp luật, liệu ngoài 2 cán bộ bị phê bình và khiển trách trên, lãnh đạo UBND quận có phải chịu trách nhiệm?
Chanh thanh tra xay nha sai pham 7 nam: Q.10 khong “thang tay” tri vi sao?
Công trình sai phạm của ông Trần Văn Hưởng. Ảnh: Thanh Niên. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc UBND quận 10 xử lý kỷ luật cách chức và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng sai phép đối với Chánh Thanh tra xây dựng quận này là cần thiết để đảm bảo trật tự kỷ cương, công bằng trong xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định pháp luật, khi phát hiện ra công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng như xây dựng không phép, sai phép thì cơ quan chức năng phải lập biên bản vi phạm, buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Trong trường hợp chủ công trình không tự nguyện tháo dỡ thì sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định pháp luật. Ngoài ra sẽ áp dụng quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
“Ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì lực lượng thanh tra xây dựng rất hùng hậu, ngoài ra UBND cấp phường cũng thường xuyên kiểm tra, phát hiện ra các trường hợp vi phạm về xây dựng. Bởi vậy, khi người dân chở một bao cát, vài viên gạch là đã có thể phát hiện ra việc xây dựng, sửa chữa, chẳng mấy chốc là có cán bộ đến hỏi thăm. Tuy nhiên, công trình xây dựng sai phạm nghiêm trọng của Chánh thanh tra Xây dựng quận 10 mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không phát hiện ra sai phạm tại thời điểm xây dựng và điều hơi bất thường và thiếu trách nhiệm”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư Cường dẫn quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 180/2007/NĐ-CP về xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng và nay là Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản cho biết, Thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương (cấp xã phường, cấp quận, huyện) có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hiện và kịp thời xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.
“Trong trường hợp cán bộ được giao nhiệm vụ mà buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra những công trình sai phạm nghiêm trọng thì cán bộ, cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi vậy trong vụ việc này sẽ phải xem xét trách nhiệm của cơ quan thanh tra xây dựng và UBND phường 3 và UBND quận 10 tại thời điểm có hành vi vi phạm trật tự xây dựng (2011) để có những hình thức xử lý theo quy định pháp luật.”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Ngoài ra, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng quy định trường hợp hết thời hiệu xử lý vi phạm về xây dựng thì vẫn có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Bởi vậy chính quyền địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng này theo quy định pháp luật.
Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định:
4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc bổ sung phương tiện che chắn theo quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;
d) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.
Ngoài ra, Điều 4, Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản quy định như sau:
Điều 4. Về áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP
1. Khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, mà hành vi này đã kết thúc, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
2. Công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều này. Phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình xây dựng sau khi phá dỡ phần vi phạm, tính mạng, sức khỏe, công trình xây dựng lân cận và đảm bảo vệ sinh, môi trường.
4. Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.
Mời bạn đọc xem clip Công trình vi phạm sẽ bị cắt điện nước - nguồn VTC Now:
  
Hải Ninh