Chiều 14/12, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hà Tĩnh đi vào buổi chất vấn thứ 2 đối với Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh.
|
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trần Tú Anh |
Hội trường nhiều phen cười nghiêng ngả
Đại biểu Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ TB&XH chất vấn: “Luật Đầu tư công đã ra đời các văn bản dưới luật cũng phải ban hành, sửa đổi. Trong khi đó Quyết định 26 của UBND tỉnh đã dùng rất lâu nhưng đến nay vẫn còn hiệu lực mà không sửa đổi thì có ảnh hưởng gì không? Lâu nay ta tuân theo cơ chế vận hành nào, có hiệu quả không? Giám đốc nói phải thay đổi văn bản ấy nhưng đến giờ chưa thay đổi thì có ảnh hưởng gì không?”.
Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Tú Anh trả lời: “UBND tỉnh nhận trách nhiệm chậm thay thế Quyết định 26. Trước đây UBND đã hội thảo một số cuộc nhưng vì thời điểm đó, Luật Đầu tư công vẫn còn sửa đổi, cho nên Chủ tịch UBND tỉnh bảo chờ luôn, khi nào luật sửa xong thì ta mới sửa. Nếu ta vừa ban hành xong mà luật lại sửa thì ta lại phải sửa theo và sửa đi sửa lại nhiều lần”.
“Nói Quyết định 26 đã hết hiệu lực chưa thì chưa có cơ sở, nó đã hủy đâu. Nhưng nói nó có áp dụng nữa không thì rõ ràng là để như vậy nhưng không ai áp dụng cả.
Lúc này áp dụng theo pháp luật hiện hành rồi. Đây là độ trễ của nó nhưng không ảnh hưởng đến quá trình vặn hành và quản lý. Cái chậm này là trách nhiệm Ủy ban và cơ quan tham mưu”, Giám đốc Sở KH-ĐT nói thêm.
Không hài lòng, đại biểu Nguyễn Trí Lạc truy tiếp: “Sau khi luật Đầu tư công ra đời thì Quyết định 26 của UBND tỉnh đã hết hiệu lực, thế mà Giám đốc vẫn cho rằng quyết định này vẫn còn hiệu lực, vẫn còn sử dụng và vẫn thực hiện. Phần nào thực hiện được thì thực hiện, phần nào không thực hiện được thì áp dụng văn bản khác. Tôi cho rằng rất... 'nông dân' chỗ này”. Hội trường cười rần rần.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, đề nghị kiểm tra lại số liệu nợ xây dựng cơ bản |
Đại biểu Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu huyện Cam Lộc) chất vấn, Giám đốc Sở KHĐT trả lời nhắc nhầm tên ĐB: “Liên quan đến câu hỏi của anh Lại Văn Sâm, à anh Bùi Nhân Sâm", khiến cả hội trường HĐND tỉnh cười không ngớt.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ đại biểu huyện Can Lộc) nêu ý kiến: “Theo phản ánh của doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến đầu tư xã hội là nhiều dự án có chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai do vướng về giá trị nộp ngân sách tối thiểu của các dự án đầu tư có sử dụng đất (giá trị M3)”.
Cùng quan điểm với bà Nga, đại biểu Nguyễn Văn Hổ (Tổ đại thị xã Hồng Lĩnh) thắc mắc: “Tại sao M3 cả nước làm được mà tỉnh ta không làm được?”.
Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay: “Đây là câu hỏi khó.
M3 là giá trị nhà đầu tư phải nộp cho nhà nước để đảm bảo việc đấu thầu có hiệu quả. Trong trường hợp đấu thầu thì do thị trường quyết định, ai nộp cao nhất thì trúng thầu. Trong trường hợp chỉ định thầu thì đã có hướng dẫn nhưng công thức tính chưa có, vì thế tùy vào từ dự án cụ thể có một giá trị riêng.
Sở đã đề xuất 2 phương án, nếu chỉ định thầu thì là hồ sơ tối thiểu 5%, còn đấu thầu là 3%. Cơ sở để tính toán là tỉnh đã tổ chức đấu một cuộc lấy 5%. Bên cạnh đó, nếu được trúng đấu giá đất, người mua đất phải bỏ thêm ít nhất một bước giá là từ 1 đến 5% và chúng ta lấy mức cao nhất”.
“Mặc dù Sở KH-ĐT tham mưu nội dung tỷ lệ như tôi đã báo cáo nhưng Sở Tư pháp có văn bản cho rằng thấy chưa có cơ sở, đây là một hạn chế lớn”, Giám đốc Sở KH-ĐT nói thêm.
Lúc này Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh ngắt lời: “Chỗ đại lý Toyota thì cơ sở nào? Cơ sở nào?”.
Sau một lúc ngập ngừng, ông Trần Tú Anh trả lời: “Đã lấy mức cao nhất theo một bước giá”. Chủ tịch HĐND tỉnh hỏi tiếp: “Đấy chúng ta đã lấy mức cao nhất, đó là cơ sở nào?”.
Có vẻ bí, Giám đốc Sở KHĐT nói: “Cái đó tí nữa Chủ tịch tiếp thu rồi...”.
Sau câu trả lời, cả hội trường cũng như bản thân ông Trần Tú Anh lại được trận cười nghiêng ngả.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Hổ, Tổ đại thị xã Hồng Lĩnh, tại sao M3 cả nước làm được mà tỉnh ta không làm được? |
Con kiến mà leo cành đa
Nhận xét về môi trường đầu tư, đại biểu Nguyễn Hồng Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: "Tôi định không phát biểu nhưng nghe một số doanh nghiệp phản ánh rằng, các nhà đầu tư vào Hà Tĩnh giống như con kiến mà leo cành đa, bây giờ nghe giám đốc phát biểu thì tôi thấy họ phản ánh đúng"
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hồng Hải, có những dự án đã đã cho chủ trương quy hoạch từ cuối năm 2016, vậy mà ròng rã gần hết nhiệm kỳ rồi thực hiện vẫn chưa xong. Trong khi đó dự án này có tính chất chỉ ra soát lại thôi mà làm đến 4 năm, không biết bao giờ thì xong.
“Dự án do bản thân mình quản lý, triển khai mà còn chậm như thế, huống chi là mình đi chỉ đạo những dự án khác. Tôi tin chắc rằng kỳ họp giữa kỳ năm sau chưa chắc đã xong, có khi phải cuối năm vì còn vướng rất nhiều vấn đề”, đại biểu Nguyễn Hồng Hải thẳng thắn.
Cũng theo đại biểu Hải, Thường trực Hội đồng các đoàn giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2017 đã yêu cầu và kiến nghị UBND tỉnh phải sửa ngay quyết định 26, vì không có căn cứ pháp lý nữa nhưng đến bây giờ vẫn như vậy.
|
Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng:Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư nói gì cũng không được |
Trước giải đáp của Giám đốc Sở KH-ĐT về nguồn vốn nông thôn mới bị chậm, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn thẳng thắn: “Giám đốc Sở KH-ĐT nói gì cũng không được. Vốn nông thôn mới 800 tỷ từ tháng 3, đến tháng 12 mới trình. Sát kỳ họp HĐND rồi bí quá, thấy chậm mất nên trình trước kỳ họp HĐND đúng 15 ngày. Thực ra là chậm trễ vòng vèo, thậm chí là thiếu quan tâm. Cách giải quyết như thế không ổn”.
Cũng theo Chủ tịch HĐND tỉnh, dân kêu, doanh nghiệp kêu là đúng. Đành rằng không ai được làm trái quy định, nhưng phải làm cho nhanh. Làm đúng quy định mà làm chậm thì khỏi bàn, cần gì lãnh đạo chỉ đạo, cần gì cải cách hành chính. Nếu chúng ta không mạnh dạn nhìn thẳng thì làm sao phát triển được.
Theo Trần Hoàn/Infonet