Vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP HCM gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương.
Cơ quan chức năng xác định ban đầu, đám cháy chung cư Carina Plaza xuất phát từ một phương tiện để dưới hầm. Đồng thời thu giữ các camera và hệ thống dữ liệu của hệ thống chữa cháy tự động và báo cháy, cũng như lấy lời khai những người liên quan để khẩn trương điều tra, làm rõ.
|
Hiện trường vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP HCM. |
Những người liên quan bị xử lý thế nào?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh: Đây là sự cố cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.
Luật sư Thơm phân tích: Theo điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, nguyên nhân phát cháy từ một phương tiện dưới tầng hầm chung cư Carina Plaza. Từ chiếc xe này đã cháy lan sang các phương tiện khác và cháy sang các khu chung cư phía trên. Như vậy, cần phải xác định nguyên nhân cháy nổ từ phương tiện này là hành vi có chủ ý hay không. Nếu có căn cứ xác định, chủ phương tiện có hành vi cố ý gây cháy nổ thì với hậu quả xảy ra sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tội giết người và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
Ngoài ra, nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ chính trị, nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.
Trường hợp, nếu xác định là nguyên nhân cháy do chập cháy điện từ hệ thống điện của tầng hầm thì cần làm rõ người trực tiếp quản lý hệ thống điện của chung cư có vi phạm quy định về PCCC hay không. Ví dụ: Người cán bộ được Công ty giao quản lý trạm biến áp trong tòa nhà, hàng tháng phải thay thế, bảo dưỡng định kỳ thiết bị nhưng đã không thực hiện đúng nên khi có sự cố chập điện đã không tự động ngắt điện gây cháy nổ. Nếu người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hệ thống điện của chung cư mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định của luật PCCC dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định các quy định cụ thể nào bị vi phạm trong các văn bản pháp luật về PCCC, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trường hợp xác định người có lỗi (vô ý hay cố ý) gây cháy nổ dẫn tới thiệt hại, ngoài trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại các Điều 589, 590, 598 Bộ luật dân sự 2015.
Nếu người của pháp nhân gây ra, thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cháy nổ được xác định rủi ro, thì căn cứ Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì Nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải mua bảo hiểm bắt buộc.
Như vậy, nếu thiệt hại xảy ra thì bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bảo hiểm sẽ từ chối trách nhiệm bồi thường rủi ro trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2018/NĐ-CP.
Hưng Bùi