Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 7/9, VKSND TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) phê chuẩn lệnh bắt người khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Sướng (giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ Hàm Long) về tội đe dọa giết người theo Điều 133 BLHS. Ông Sướng là người xuất hiện trong clip trên mạng xã hội ngày 5/9, đã chĩa súng dọa bắn vỡ sọ tài xế xe tải.
Có quyền dùng súng nhưng phải đúng
Trước đó, ngày 5/9, trên quốc lộ 18 thuộc địa phận Cầu Ngà, TP Bắc Ninh, giữa Nguyễn Văn Sướng và tài xế xe tải Nguyễn Trung Hiếu (huyện Nho Quan, Ninh Bình) đã xảy ra mâu thuẫn.
Ông Sướng rút khẩu súng loại bắn đạn có đầu bọc cao su, cầm súng đi về phía xe tải rồi chĩa súng về phía anh Hiếu. Thấy vậy, anh Hiếu sợ hãi nhoài người trèo sang hướng ghế phụ, mở cửa xe bỏ chạy. ông Sướng tiếp tục để ngón trỏ tay phải vào cò súng, theo hướng nhoài người của anh Hiếu nói: “Đứng lại”. Anh Hiếu vẫn tiếp tục chạy khoảng 100 m, vượt qua hàng rào của công trường đang thi công vào khuôn viên công trường và thấy nhiều công nhân mới dừng lại. Còn ông Sướng thấy Hiếu bỏ chạy nên cất khẩu súng vào túi quần, lên ô tô rời đi.
|
Hình ảnh ông Sướng xuống xe, rút súng đe dọa bắn tài xế xe tải. Ảnh: MXH |
Tại cơ quan điều tra, ông Sướng tự nguyện giao nộp một khẩu súng màu đen, nhãn hiệu Rohm RG88, bên trong có chứa ba viên đạn, giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ và giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.
Theo luật sư (LS) Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn LS TP.HCM, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì súng bắn điện, súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, phương tiện xịt hơi cay... là công cụ hỗ trợ.
Điều 3 và Điều 61 luật này quy định công cụ hỗ trợ là phương tiện được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp. Ngoài ra còn được sử dụng trong trường hợp ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng... Tuy nhiên, hành vi của ông Sướng không đảm bảo các mục đích nói trên mà là để đe dọa anh Hiếu.
“Theo Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ. Thực tế thì ông này cũng có giấy chứng nhận và giấy phép sử dụng súng” - LS Tạ Minh Trình, Đoàn LS TP.HCM, nói.
Tuy nhiên, theo LS Trình, đủ điều kiện nhưng phải sử dụng đúng mục đích theo quy định trên. Chỉ vì không cho xe tải của anh Hiếu vượt xe mình mà ông Sướng đã dùng súng để đe dọa giết người là vi phạm pháp luật vì không thuộc tình huống được sử dụng công cụ hỗ trợ.
Theo hai LS, nếu sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền lợi của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử lý. Nhẹ thì bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo Điều 10 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Mức độ nặng thì có thể bị xử lý hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 306 BLHS).
Rõ dấu hiệu tội đe dọa giết người
Theo LS Đỗ Ngọc Thanh, nếu dùng công cụ hỗ trợ đe dọa tính mạng người khác, làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì có thể bị xử lý về tội đe dọa giết người. Trong vụ này, ông Sướng đã có chĩa súng về phía anh Hiếu đang ngồi. Sau khi anh Hiếu bỏ chạy, ông Sướng tiếp tục chĩa súng, ngón trỏ tay phải đặt vào cò súng, theo hướng nhoài người của anh Hiếu, vì sợ bị bắn nên anh Hiếu tiếp tục bỏ chạy.
Ông Sướng đã làm cho người bị đe dọa lo sợ, hành vi này không nhằm mục đích giết người mà làm cho người bị đe dọa tưởng thật là mình có thể bị giết. Khi thấy ông Sướng chĩa súng về phía mình, anh Hiếu nghĩ là súng thật, sợ bị bắn nên sợ hãi bỏ chạy. Lúc này, anh Hiếu thực sự tin rằng mình sẽ bị giết bởi các hành vi đe dọa của ông Sướng. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc anh Hiếu lo sợ bị giết.
Về hậu quả hành vi đe dọa giết người là sự lo sợ rằng việc bị giết có thể xảy ra. Còn nếu từ hành vi đe dọa được thực hiện thì việc nạn nhân chết hoặc bị thương sẽ cấu thành tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích chứ không còn là tội đe dọa giết người.
“Việc dùng súng thật hay súng giả để đe dọa người khác, nếu việc đe dọa làm cho người bị hại phải thực sự lo lắng và tin rằng hành vi đe dọa của người phạm tội sẽ được thực hiện thì vẫn cấu thành tội đe dọa giết người” - LS Thanh phân tích.
Bổ sung, LS Tạ Minh Trình cho rằng một người bình thường không thể phân biệt được đâu là súng thật, đâu là súng giả nên nếu bị người khác chĩa súng dọa bắn thì ai cũng phải lo lắng và đó là lo lắng có căn cứ.
Hành vi chĩa súng của ông Sướng gây ra tâm lý bất an, lo sợ cho anh Hiếu chứ không phải dọa vu vơ hoặc không hướng tới đối tượng cụ thể. Đặc biệt, trong tình huống hai bên mâu thuẫn, ông Sướng đã sử dụng súng chĩa thẳng, đặt ngón tay trỏ vào cò súng dọa bắn vỡ sọ thì anh Hiếu chắc chắn phải rất sợ hãi nên mới bỏ chạy. Như vậy, có thể xác định lúc này anh Hiếu đang trong trạng thái lo sợ mình sẽ bị ông Sướng giết và trường hợp này đủ yếu tố cấu thành tội đe dọa giết người.
Thực tế, hành vi dùng súng giả để đe dọa người khác nhằm cướp tài sản đều bị xử lý về hành vi cướp có vũ khí.
Dùng súng tự chế dọa bắn gia đình chủ quán nhậu
Tháng 8/2020, VKSND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Bảo Sơn về tội đe dọa giết người.
Theo đó, chiều 9/4, Sơn đến quán tại khu phố Long Bình, phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu yêu cầu anh Huỳnh Đình Văn (chủ quán) bán đồ nhậu. Vì đang trong thời gian thực hiện cách ly xã hội để chống dịch COVID-19 nên anh Văn từ chối.
Do đã say xỉn nên Sơn chửi bới, dùng tay đánh anh Văn nhưng anh này đỡ được. Sơn gọi điện thoại cho công an phường yêu cầu xử lý hành vi bán quán nhậu của anh Văn trong thời gian cách ly xã hội. công an đến yêu cầu Sơn về nhà nhưng Sơn không chấp hành mà tiếp tục gây rối và đe dọa sẽ dùng súng bắn anh Văn.
Sau khi được can ngăn, Sơn bỏ về, công an phường cũng rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, sau đó khi thấy mẹ và các em của anh Văn về nhà, đi ngang qua nhà mình, Sơn mang khẩu súng cồn tự chế dọa bắn chết em anh Văn.
Các em của anh Văn hoảng hốt bỏ chạy, Sơn dùng súng bắn phát ra tiếng nổ nhưng không gây thương tích cho ai...
Theo Yến Châu/Pháp luật TP.HCM