Theo đó, thực hiện chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chương trình công tác của Ban cán sự đảng Chính phủ 6 tháng cuối năm 2023, ngày 30/9, Ban cán sự Đảng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đôn đốc về việc chuẩn bị Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GTVT chưa báo cáo Thường trực Chính phủ và Văn phòng Trung ương Đảng để phục vụ cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối năm nay.
|
Ảnh minh họa. |
Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia ngày 12/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo giao Bộ GTVT huy động chuyên gia về kỹ thuật, kinh tế, tổ chức hội nghị chuyên đề góp ý hoàn thiện đề án.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần chứng minh để khẳng định quan điểm đất nước phát triển, có công nghiệp phát triển, thu nhập cao thì tất yếu phải có đường sắt tốc độ cao. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện.
Khẳng định đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, có nhiều ưu thế như vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn so với phương thức khác, Phó thủ tướng yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h và thực sự trở thành trục xương sống.
Bộ GTVT cần làm rõ hiệu quả đầu tư, tính khả thi, giải pháp về nguồn lực, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao; phát triển công nghiệp đường sắt; đào tạo nhân lực; cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận chuyển giao, từng bước làm chủ công nghệ. Việc lựa chọn kịch bản đầu tư cần bảo đảm khai thác với tốc độ cao, hiện đại, trên cơ sở đánh giá nhu cầu vận tải, yêu cầu thị trường, mức độ an toàn, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Kịch bản "cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn".
Hiện, Bộ GTVT đang xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và lấy ý kiến các bộ, ngành, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Theo đó, Dự thảo Đề án được đưa ra trưng cầu góp ý kiến tham vấn với 3 kịch bản.
Cụ thể, kịch bản 1: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, chiều dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng trục 17 tấn/ trục, khai thác riêng tàu khách; nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc – Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng mức đầu tư dự kiến cho kịch bản này khoảng 67.32 tỉ USD.
Kịch bản 2: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22.5 tấn/ trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 72.02 tỉ USD.
Kịch bản 3: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22.5 tấn/ trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu; tốc độ thiết kế 350km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 68.98 tỉ USD. Trường hợp đầu tư ngay hạ tầng, thiết bị, phương tiện để phujuc vụ khai thác tàu hàng chạy suốt từ Bắc vào Nam thì kinh phí đầu tư khoảng 71.69 tỉ USD.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2010, chủ trương về đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đã được trình Quốc hội xem xét, nhưng chưa được thông qua do còn nhiều ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô kinh tế thời điểm năm 2010 còn khiêm tốn.
“Phải nói rằng, đây là một Đề án khó, chưa có trong tiền lệ, Trong suốt hơn 10 năm qua đã có 28 cuộc họp, hội thảo đóng góp ý kiến cho Đề án. Tuy nhiên Đề án hôm nay cũng đã có nhiều điều chỉnh phù hợp hơn so với Đề án năm 2019 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như công nghệ, kết cấu hạ tầng, công năng, tốc độ, chọn lựa nhà thầu…”, ông Huy nói.
Trước đó, kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 3/2023 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2045.
Chính phủ mới đây ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao.
Theo đó, mục tiêu được Chính phủ đề ra là đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó yêu cầu, nghiên cứu hoàn thiện đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Tháng 12/2023, Bộ Chính trị sẽ họp và cho ý kiến về dự án này, trước khi trình ra Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đường sắt trên sa mạc đầu tiên trên thế giới được xây dựng sao?
Tâm Đức